Bảo hiểm Prudential cố tình gây khó dễ cho khách hàng?

Nhà thơ Trương Xuân Thiên và cuộc trở về cùng lục bát

Đi ngược lại với nhiều nhà thơ trẻ đương đại, Trương Xuân Thiên (sinh năm 1979) vẫn say đắm, mặn mà, tìm về các thể thơ truyền thống và gặt hái được không ít thành tựu.

Sau hai tập thơ đầu: Tư duy S (NXB Văn học 2005) và Homo Sapiens Người tinh khôn (NXB Văn học 2009), Trương Xuân Thiên đã tìm về thể lục bát với sự ra mắt hai tập thơ: Áo hồ ly (NXB Văn học, 2017) và Lục bát tình nhân (NXB Thanh Hóa, 2021).

Những khởi nguồn nhiều thiện cảm

Nhà thơ Trương Xuân Thiên và cuộc trở về cùng lục bát- Ảnh 1.

Nhà thơ Trương Xuân Thiên

Năm 2005, tập thơ đầu tay mang tên Tư duy S gồm 36 bài thơ dưới hình thức tự do đã gây được nhiều thiện cảm cho độc giả. Tuy viết dưới hình thức tự do nhưng chất cổ điển vẫn hiện lên rất rõ bởi sự chú trọng về cảm xúc trong từng tác phẩm, vần điệu, nhạc tính cũng như xây dựng hình ảnh đề tài thơ. Tình yêu đôi lứa, tình cảm gia đình, quê hương, thiên nhiên, đời sống xã hội, lịch sử, con người. Một trong những bài thơ được đánh giá hay nhất của tập thơ này đó là bài thơ "Ngụy biện cho giọt nước mắt và sự vấp ngã" là một bài thơ viết về mẹ.

Không chỉ gây dấu ấn chạm tới cảm xúc ở bài thơ này, nhà thơ Trương Xuân Thiên cũng đã khiến nhiều độc giả say đắm với bài thơ "Truyền kì mưa". Cảm hứng, đề tài đã bứt khỏi những câu chuyện của cá nhân để hướng đến những điều lớn lao hơn, đó là đất nước, là lịch sử với không ít những trăn trở, suy tư.

Bốn năm sau tập thơ Tư Duy S, nhà thơ Trương Xuân Thiên đã tung tập thơ thứ hai với nhiều khác biệt. Trừ bài thơ đầu tiên mang tên "Khúc hát ban mai" – một bài thơ viết về mẹ với giọng điệu trong trẻo, tươi sáng thì đa số các bài trong tập đều được viết với một phong cách khác hẳn. Đấy là phong cách nghịch dị, ma mị, liêu trai, nhuốm màu siêu thực và gợi các chiều kích tâm linh. Đôi khi còn có những bài gợi cảm giác ghê sợ. Tập thơ này cho thấy sự tìm tòi của Trương Xuân Thiên theo xu hướng siêu thực. Thực ra, thơ theo hướng siêu thực và kinh dị chúng ta đã từng gặp trong thơ của Chế Lan Viên thời kỳ thơ mới hay là thơ của Đinh Hùng – là những nhà thơ đã từng rất nổi tiếng với phong cách thơ này. Và Trương Xuân Thiên là sự tiếp nối. Không phải quá khác lạ nhưng người sáng tạo thi ca sẽ biến nó thành một cuộc chơi ngôn từ đầy hấp dẫn. Trong tập thơ thứ hai, tác giả Trương Xuân Thiên cũng nhắc nhiều đến cái chết qua những biểu tượng như: chim lợn, mộ địa, tự tình, hồng hoang hay đồng dao của loài quạ, thoát xác, ngón tay áp út,…

Nhà thơ Trương Xuân Thiên và cuộc trở về cùng lục bát- Ảnh 2.

Tiến sĩ Đỗ Thanh Nga (Viện Văn học) và Tiến sĩ Đỗ Anh Vũ (Ban Văn học nghệ thuật, Đài Tiếng nói Việt Nam) trong chương trình Đôi bạn văn chương với chủ đề "Trương Xuân Thiên và cuộc trở về cùng lục bát" trên sóng VOV6

Những triết lý trong thơ của Trương Thương Thiên rất đơn giản, đó là tình yêu, là nguồn gốc của sự sống, duy trì sự sống, không có tình yêu thì chẳng có gì tồn tại cả, giống như là ở mấy câu kết của bài "Niệm khúc mùa đông": "Không còn tình yêu, không còn sự sống, không còn cả cái chết lẫn đau thương".

Ở trong tập thơ này, chúng ta còn thấy là rất nhiều những hình ảnh về nhục thể, về thân xác đó được phân tách ra để biểu thị những khát khao giao cảm về mặt tinh thần.

Một điều đáng nói là cách trình bày của tập thơ này cũng đã bỏ qua những yếu tố đồ họa, nó rất hiện đại và mang tính tượng trưng, ngay cả cách sắp đặt các câu thơ, các khổ thơ cũng không theo trình tự thông thường và khiến chúng ta liên tưởng đến thơ tạo hình.

Điều quan trọng hơn nữa là bên cạnh những cảm xúc phóng khoáng, dâng trào thì Trương Xuân Thiên vẫn còn biết tiết chế để những câu thơ trở nên đằm sâu hơn, cổ điển hơn trong những thể thơ như lục bát hoặc ngũ ngôn, xen những bài thơ tự do.

Sự trở lại quen mà lạ

8 năm vắng bóng, Trương Xuân Thiên bất ngờ trở lại văn đàn với tập thơ Áo hồ ly và Lục bát tình nhân.

Nhà thơ Trương Xuân Thiên và cuộc trở về cùng lục bát- Ảnh 3.

Tập thơ Áo hồ ly mới ra mắt của nhà thơ Trương Xuân Thiên

Chia sẻ về việc sử dụng thơ lục bát để trở lại văn đàn, nhà thơ Trương Xuân Thiên cho biết, trước đây, anh làm thơ tự do, có câu vài ba chữ, câu vài chục chữ, tùy duyên mà viết chứ không bắt buộc theo quy luật nào cả. Thế nhưng lần này trở lại, anh lại chọn thơ lục bát, một tấm áo phù hợp với diễn ngôn của chính mình. Anh cũng tham vọng, người làm thơ không lệ cao sơn lưu thủy mà cũng chẳng nhất thiết phải dụng công thiên ngôn vạn ngữ. Người làm thơ vị tất phải viết những câu thơ hay, những vần thơ đẹp. Với nhà thơ Trương Xuân Thiên, anh muốn kiến trúc một thế giới khác, một lục bát khác, một cảnh giới khác. Ở đó anh là vị giáo chủ ủy quyền, hết thảy mọi sự trong cõi giới đó, phó thác linh hồn bằng những rung động vi diệu, hỗn độn, rung thông.

Nói về hành trình thơ Trương Xuân Thiên nói chung và tập thơ "Áo hồ ly" nói riêng, nhà thơ Nguyễn Đăng Khoa cho biết, Trương Xuân Thiên viễn chinh trên con đường thi ca cũng là nằm trong bầu khí quyển của phân tâm học. Thi tài của Trương Xuân Thiên không chỉ là tìm tòi, khai phóng mà còn mang xu hướng định hình, thiết lập những cột mốc mới bằng cảm thức nghệ thuật của anh.

"Hai tập thơ đầu của nhà thơ Trương Xuân Thiên là Tư duy S và Homo Sapiens Người tinh khôn cùng những thử nghiệm trình diễn nghệ thuật thơ là những dấn thân đáng được ghi nhận trong thơ trẻ Việt Nam xét trên bình diện từ 15 - 20 năm qua. Tuy vậy, thành công nhất của nhà thơ Trương Xuân Thiên theo tôi là ở chặng thứ ba với tập thơ lục bát mang tên "Áo hồ ly". Tôi luôn dành những ngưỡng mộ không bao giờ thay đổi với tập thơ này. Bởi, thế giới thi ca được nhà thơ hư tạo ra thật kì vĩ, mỹ diệu và đầy ngập hưng cảm trong không gian huyền mỏng. Không chỉ có âm chất mặn nồng của vợ chồng Hồ Ly, qua câu thơ "Hồ Ly đang áo cho chồng/ Mỗi đêm đan một mảnh nồng lên môi" mà ở đó còn chấp chới những kiếp luân hồi, những luyến ái, những trả vay, những ân ân oán oán, những phong ba bão giật, mây gió cuồng động. Mỗi nguyên tố cấu thành nên thế giới huyễn mộng ấy đều được gọi tên, đều có những đóng góp lớn nhỏ vào những tiến hóa, những định hình của thi giới Trương Xuân Thiên", Nhà thơ Nguyễn Đăng Khoa nói.

Nhà thơ Trương Xuân Thiên và cuộc trở về cùng lục bát- Ảnh 4.

Trương Xuân Thiên trong cuộc trình diễn thơ cá nhân Nguyệt thực, bán đảo hồ Thiền Quang, Hà Nội năm 2010

Tập thơ "Lục bát tình nhân" là tập thơ gần đây nhất của Trương Xuân Thiên với 63 bài lục bát. Những thay đổi mới mẻ làm chúng ta có cảm tưởng như tác giả đã tan cái mộng mị, liêu trai trong "Áo hồ ly" để trở về với đời thực. Có thể thấy, khi thoát cõi liêu trai thì người thơ lại dấn thân vào cõi thiền nhiều hơn

Trương Xuân Thiên đã chứng tỏ khả năng viết lục bát một cách rất tự nhiên, hồn hậu với tâm thức của một hồn thơ thoát tục, tinh khiết vô ngần nhưng mà vẫn hàm chứa phía sau là những trăn trở cho số phận con người.

Chúng ta thấy rằng những ẩn dụ trong thơ Trương Xuân Thiên rất giàu sức khái quát. Mỗi bài thơ là một câu chuyện triết học về nhân sinh, về kiếp người. Lồng vào đó là những sắc điệu của tình ái, khiến cho cái cõi thiền trong thơ Trương Xuân Thiên thanh khiết mà không rời xa thế tục.

Trương Xuân Thiên đã đi qua một hành trình với bốn tập thơ và gây được nhiều ấn tượng đậm nét với thể lục bát, nhà thơ Du Tử Lê đã nhận xét, lục bát của Trương Xuân Thiên được ngọn hải đăng siêu thực dẫn đường cho mọi lênh đênh tìm về của thể lục bát vốn thấm đẫm tâm cảnh và cảm thức lạc lõng, bấp bênh của tuổi trẻ đương thời.