Bảo hiểm Prudential cố tình gây khó dễ cho khách hàng?

Thâu đêm nối thành công bàn tay phải bị đứt lìa của bé trai 12 tuổi

Một thiếu niên 12 tuổi bị chém lìa bàn tay đã được các bác sĩ thức thâu đêm phẫu thuật nối liền.

Ngày 21/9, đại diện Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình Tp.HCM cho biết, bệnh viện vừa tiếp nhận nam bệnh nhân D.N.T.D (12 tuổi) trong tình trạng đa chấn thương.

Bàn tay bị chém đứt lìa được nối thâu đêm

Theo đó, 11h khuya 11/9, Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình tiếp nhận trường hợp bệnh nhân là nam, 12 tuổi, bị chém, đa thương tích như sau: vết thương vùng vai phải, vết thương đùi phải và nặng nhất là vết thương đứt rời hoàn toàn bàn tay phải.

Bàn tay bị đứt lìa đã được gia đình bảo quản bằng cách bỏ trong túi ni lông, cho vào thùng đá đưa đến bệnh viện cùng bệnh nhi.

Các bác sĩ đã tiến hành cấp cứu cho bệnh nhân trong đêm, phẫu thuật nối thành công bàn tay cho bệnh nhi.  

Sức khỏe - Thâu đêm nối thành công bàn tay phải bị đứt lìa của bé trai 12 tuổi

Bàn tay được nối thành công của cháu bé.  (Ảnh: BVCC).

Ê kíp phẫu thuật cho bệnh nhi này gồm bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Ngọc Thạch, bác  sĩ chuyên khoa 1 Nguyễn Thế Minh Hoàng và bác sĩ Đỗ Đình Duy.

Các bác sĩ đã xử lý triệt để toàn bộ các tổn thương. Đặc biệt, tỉ mỉ khâu nối vi phẫu bàn tay phải đứt lìa, kết hợp xương cổ tay, khâu các gân gấp và gân duỗi các ngón tay.

Nối vi phẫu động mạch, nối ghép vi phẫu tĩnh mạch bàn tay. Nối vi phẫu thần kinh trụ và thần kinh giữa cho bàn tay.

Ca phẫu thuật tiến hành từ 1h - 4h30 ngày 12/9. Hiện, sau mổ 8 ngày, bàn tay bệnh nhân sống hoàn toàn, các ngón tay cử động tốt. Bệnh nhân được cho xuất viện và bắt đầu bước vào giai đoạn tập vật lý trị liệu ban đầu.

Xu hướng bạo lực trẻ em gia tăng

Chia sẻ với PV Người Đưa Tin, bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Ngọc Thạch, Khoa Vi phẫu tạo hình, Bệnh viện Chấn Thương Chỉnh Hình Tp.HCM cho biết, để một ca nối chi đứt lìa thành công, các bác sĩ phải trải qua 5 công đoạn.

Thứ nhất là xác định thời gian vàng: Chi thể đứt lìa dù được bảo quản đúng (bỏ bịch nylon, cột lại và bỏ túi nylon này vào nước đá), sẽ tồn tại được khoảng 6 tiếng-12 tiếng, kể từ khi bị tai nạn.

Do đó, với công đoạn này khi bệnh nhân vô bệnh viện là phải làm ngay lập tức. Đôi khi, trong lúc chờ xét nghiệm máu, thì phẫu thuật viên đã đưa phần đứt rời vào phòng mổ cắt lọc, đánh dấu thần kinh mạch máu trước, để có xét nghiệm là đội ngũ đẩy bệnh nhân vào, tiết kiệm thời gian vàng cho bệnh nhân.

Thứ hai là Kết hợp xương, các bác sĩ buộc phải kết hợp xương vững. Tuy nhiên, không được xoắn mô mềm, không hư hại thêm mạch máu thần kinh, cũng như không được khóa khớp, không khóa gân, vậy thì nối xong bệnh nhân mới vận động tập được.

Thứ ba là nối gân, bác sĩ cần phải nối tất cả gân gấp và gân duỗi, nối đúng kỹ thuật để đảm bảo độ chắc, cho phép tập ngay sau nối.

Thứ tư là 4 nối động mạch và tĩnh mạch, các bác sĩ tiến hành các bước nối dưới kính hiển vi, đây là khâu khó khăn nhất, đảm bảo sự sống của chi đứt lìa.

Số tĩnh mạch cần nối số lượng nhiều tối thiểu là gấp đôi số động mạch (ví dụ 1 động mạch - 3 tĩnh mạch), thì mới đảm bảo dẫn máu vào - ra chi sau nối. Khi thấy mối nối căng, nguy cơ tắc, thì phải chủ động ghép mạch máu (động mạch+ tĩnh mạch).

Cuối  cùng là nối thần kinh, bác sĩ cần tìm và nối tất cả thần kinh đúng kỹ thuật dưới kính hiển vi. Để đảm bảo phục hồi cả cảm giác cho chi lìa sau nối. Khi làm đủ 5 công đoạn, thì sẽ đạt mức  tối ưu.

Cũng theo bác sĩ Thạch, bệnh nhân khi bị chi đứt rời, gia đình hoặc người thân đi cùng cần cầm chi đứt rời, rửa sạch với nước uống, bỏ túi nylon sạch, cột lại, rồi bỏ bịch nylon vào hộp nước đá để ca phẫu thuật đạt hiệu quả cao, bệnh nhân hồi phục nhanh...

Chia sẻ về ca này, bác sĩ chuyên khoa 2 Võ Hòa Khánh, Trưởng Phòng Quản lý chất lượng, Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình Tp.HCm cho biết, ca bệnh nhi này bị đa thương tích là do đánh nhau.

Hiện đang có xu hướng gia tăng bạo lực trẻ em, các em dùng hung khí chém nhau.

Do đó, phụ huynh cần nhắc nhở con em mình tránh các xung đột, kiềm chế bản thân. Để tránh dẫn tới các sự việc đáng tiếc như bệnh nhân bị chém lìa bàn tay phải như trên.

Lần này, ê kíp phẫu thuật xử lý triệt tất cả tổn thương trong 1 lần mổ, kỹ thuật này vừa giúp cứu sống bàn tay đứt lìa, vừa cho phép bệnh nhân có thể tập luyện ngay được, sớm quay lại cuộc sống thường ngày.

Nguyễn Lành