Bảo hiểm Prudential cố tình gây khó dễ cho khách hàng?

Chuyển động tại Novaland: Thua lỗ kỷ lục ngay quý đầu năm, dòng tiền âm nặng, nhóm cổ đông liên quan ông Bùi Thành Nhơn dần 'tạm biệt'

Novaland sẽ xoay sở nguồn vốn ra sao để vừa trả nợ, vừa tiếp tục phát triển?

CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland, mã chứng khoán NVL) vừa công bố BCTC quý 1/2024 với mức lỗ sau thuế tới 601 tỷ đồng. Đây là khoản lỗ theo quý đậm nhất lịch sử doanh nghiệp này. Trong khi quý liền trước đó, Novaland cũng gây bất ngờ không kém khi báo lãi 1.600 tỷ đồng trở lại trong "cơn bĩ cực".

Sự biến động của Novaland diễn ra trong bối cảnh Công ty đang nỗ lực tái cấu trúc, sau sự cố năm 2022 liên quan đến áp lực nợ trái phiếu, cổ phiếu bị bán tháo do lãnh đạo cầm cố nhiều cũng như tình hình ngưng trệ các dự án đầu tư.

Hơn 1 năm "gồng gánh", Novaland có những tín hiệu sáng hơn như các dự án được gỡ pháp lý, thương lượng gia hạn/hoán đổi nợ được với các bên và hơn hết là quá trình thương thảo, tìm nhà đầu tư chiến lược theo như chia sẻ của Công ty.

Dù vậy, sức khoẻ tài chính của Novaland vẫn còn nhiều điều đáng lưu ý khi dòng tiền âm lớn, tiền và tương đương tiền chỉ còn hơn 3.000 tỷ trên dư nợ "khổng lồ" hơn 191.778 tỷ đồng.

Một câu hỏi đang được đặt ra là dù dự án được gỡ pháp lý, song Novaland sẽ xoay sở nguồn vốn ra sao để vừa trả nợ, vừa tiếp tục phát triển?

Ghi nhận trên BCTC hợp nhất Novaland, tại ngày 31/3/2024, tổng tài sản của Novaland đạt 236.480 tỷ đồng, giảm 2% so với đầu năm. Trong đó, hàng tồn kho chiếm tới 59,57% tổng tài sản với 140.881 tỷ đồng, chủ yếu là các bất động sản đang xây dựng. Novaland đã dùng 57.798 tỷ đồng giá trị hàng tồn kho làm tài sản bảo đảm cho các khoản vay.

Các khoản phải thu của Novaland cũng có giá trị rất lớn, đạt 75.170 tỷ đồng - giảm 7,8% so với đầu năm, tương đương 31,78% tổng tài sản. Trong đó, phải thu về cho vay ngắn hạn hơn 4.900 tỷ đồng (cho vay không có tài sản bảo đảm); phải thu từ hợp tác đầu tư phát triển dự án ngắn hạn hơn 3.800 tỷ đồng và dài hạn hơn 26.200 tỷ đồng; tiền đặt cọc mua cổ phần, nhận chuyển nhượng vốn góp hơn 13.000 tỷ đồng; đặt cọc nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất hơn 3.800 tỷ đồng…

Vốn chủ sở hữu của Novaland tại thời điểm kết thúc quý 1/2024 là 44.702 tỷ đồng, giảm 1,3% so với đầu năm. Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu là 4,29 lần. Công ty có của để dành là thặng dư vốn hơn 5.051 tỷ đồng. Novaland bắt đầu phát sinh khoản lỗ luỹ kế hơn 567 tỷ đồng.

Chuyển động tại Novaland: Thua lỗ kỷ lục ngay quý đầu năm, dòng tiền âm nặng, nhóm cổ đông liên quan ông Bùi Thành Nhơn dần 'tạm biệt'- Ảnh 1.

Ảnh: BCTC NVL.

Về dòng tiền, dòng tiền kinh doanh Novaland đang âm 2.507 tỷ đồng do giảm các khoản phải trả. Để bù đắp dòng tiền, Công ty đã tăng thu hồi cho vay, bán lại công cụ nợ của đơn vị khác (1.747 tỷ đồng), tăng thu hồi vốn góp vào đơn vị khác (350 tỷ đồng) và tăng vay mượn (702 tỷ đồng, tăng 12 lần), giảm trả gốc vay (545 tỷ đồng, giảm 75%, trong đó riêng tiền thanh toán trái phiếu là 173 tỷ đồng).

Chuyển động tại Novaland: Thua lỗ kỷ lục ngay quý đầu năm, dòng tiền âm nặng, nhóm cổ đông liên quan ông Bùi Thành Nhơn dần 'tạm biệt'- Ảnh 2.

Ảnh: Dòng tiền kinh doanh âm nặng.

Năm 2024, Novaland đặt mục tiêu doanh thu thuần 27.830 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 593 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc quý 1/2024, Công ty chỉ đạt 2,5% mục tiêu doanh thu và đi lùi vạch xuất phát đối với mục tiêu lợi nhuận.

Nhóm cổ công của Chủ tịch Bùi Thành Nhơn 'tạm biệt' dần dần

Trong bối cảnh còn "ngàn cân treo sợi tóc", tỷ lệ nắm giữ của ông Bùi Thành Nhơn và các bên liên quan liên tục giảm là thông tin đáng chú ý.

Mới nhất, theo công bố thông tin trên HoSE, bà Bùi Cao Ngọc Quỳnh - con gái ông Bùi Thành Nhơn, Chủ tịch HĐQT – vừa đăng ký bán 9,1 triệu cổ phiếu NVL với lý do cá nhân. Giao dịch dự kiến thực hiện bằng phương pháp thỏa thuận từ ngày 9/5-6/6/2024. Sau giao dịch, lượng nắm giữ của bà Quỳnh dự kiến giảm từ 24,67 triệu cổ phần xuống 15,56 triệu đơn vị (tỷ lệ 0,79%).

Cách đây một tuần, NovaGroup - tổ chức có liên quan đến ông Bùi Thành Nhơn cũng đăng ký bán 9,41 triệu cổ phiếu theo phương thức thoả thuận và/hoặc khớp lệnh từ ngày 6/5 đến ngày 31/5/2024, nhằm cân đối đầu tư và cơ cấu nợ. Nếu giao dịch diễn ra thành công, tỷ lệ sở hữu của NovaGroup tại Tập đoàn Novaland sẽ giảm từ 18,36% (hơn 358 triệu cổ phiếu) xuống còn 17,884% vốn điều lệ (hơn 348 triệu cổ phiếu).

Cần biết, để hỗ trợ cơ cấu nợ cho Novaland, thời gian qua Novagroup đã liên tục bán ra lượng lớn cổ phiếu NVL. Sau nhiều lần thoái vốn, nhóm cổ đông liên quan đến ông Bùi Thành Nhơn hiện chỉ còn nắm khoảng 40% cổ phần tại Novaland. So với cách đây một năm, tổng tỷ lệ sở hữu của gia đình Chủ tịch Novaland đã giảm khoảng 12%.

Còn so với thời điểm tháng 6/2022, con số sụt giảm hơn 20% cổ phần, tương ứng hơn 406 triệu cổ phiếu. Với mặt bằng giá cổ phiếu NVL trong hơn một năm rưỡi qua thì ước tính số cổ phiếu này có giá trị tương ứng khoảng 7.000-8.000 tỷ đồng.

Nếu 2 giao dịch trên thành công, tỷ lệ sở hữu của ông Bùi Thành Nhơn và các bên liên quan chỉ còn khoảng 760,36 cổ phần, tương đương 38,9% vốn.

Chuyển động tại Novaland: Thua lỗ kỷ lục ngay quý đầu năm, dòng tiền âm nặng, nhóm cổ đông liên quan ông Bùi Thành Nhơn dần 'tạm biệt'- Ảnh 3.

Ảnh: Nếu 2 giao dịch trên thành công, tỷ lệ sở hữu của ông Bùi Thành Nhơn và các bên liên quan chỉ còn khoảng 760,36 cổ phần, tương đương 38,9% vốn.