Bảo hiểm Prudential cố tình gây khó dễ cho khách hàng?

Khách mua vé máy bay giá cao bất thường gửi phản ánh đến cơ quan nào?

Cục Hàng không Việt Nam đề nghị khách hàng mua vé máy bay thời gian qua phản ánh thông tin, tài liệu xác thực về việc đã phải mua vé máy bay giá cao so với quy định.

Thời gian gần đây, nhiều phương tiện thông tin đại chúng, trang mạng xã hội phản ánh những thông tin nhiều chiều về việc giá vé máy bay tăng cao bất hợp lý. Lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải đã chỉ đạo cường công tác quản lý Nhà nước, kiểm soát chặt chẽ giá vé máy bay, góp phần bình ổn giá, đảm bảo hài hòa các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Bộ Giao thông vận tải cũng yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam khẩn trương rà soát, kiểm tra ngay công tác bán vé, thực hiện kê khai, niêm yết giá, công khai, minh bạch thông tin về giá vé máy bay của các hãng hàng không.

Cục Hàng không đã triển khai kiểm tra hoạt động bán vé, kê khai, niêm yết giá vé máy bay. Đồng thời, Cục Hàng không đề nghị các cá nhân, tổ chức, khách hàng mua vé máy bay các hãng hàng không Việt Nam thời gian qua (nhất là từ đầu năm 2024 đến nay) phản ánh thông tin, tài liệu xác thực về việc đã phải mua vé máy bay giá cao so với quy định tại thông tư quy định khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa.

Khách mua vé máy bay giá cao bất thường gửi phản ánh đến cơ quan nào?- Ảnh 1.

Khung giá vận chuyển hành khách hạng phổ thông cơ bản, theo Thông tư số 34/2023/TT-BGTVT ngày 30/11/2023 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/3/2024)

Phản ánh của hành khách gửi tới Cục Hàng không Việt Nam qua hộp thư: [email protected] (đề nghị nêu rõ họ tên hành khách, số điện thoại liên hệ, hành trình vé, giá vé, hình ảnh hóa đơn chứng từ, biên lai chuyển tiền...) nhằm góp phần nhanh chóng làm rõ, kịp thời chấn chỉnh, xử lý các vi phạm (nếu có).

Theo chỉ đạo của Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng, Cục Hàng không vừa thành lập đoàn kiểm tra việc bán vé, kê khai, niêm yết giá vé máy bay của các hãng hàng không từ đầu năm tới nay. Đoàn kiểm tra gồm 10 thành viên do ông Đỗ Hồng Cẩm - Phó Cục trưởng Cục Hàng không làm trưởng đoàn.

Theo đó, thời hạn tiến hành kiểm tra là 3 ngày làm việc từ 7 đến 9/5. Thời kỳ kiểm tra là từ ngày 1/1 đến ngày ban hành quyết định này và các thời kỳ khác có liên quan đến nội dung kiểm tra.

Cục Hàng không cũng có văn bản báo cáo Bộ Giao thông Vận tải về tình hình giá vé máy bay nội địa 4 tháng đầu năm. Theo đó, từ đầu năm đến nay, giá vé trung bình hạng phổ thông trên một số đường bay (đã bao gồm thuế, phí) của các hãng hàng không Việt Nam đều tăng so với cùng kỳ năm 2023, tuy nhiên vẫn luôn bảo đảm nằm trong khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách theo quy định hiện hành.

Cục hàng không cho biết, đối với đường bay Hà Nội - TP Hồ Chí Minh, giá vé trung bình của Vietnam Airlines (VNA) khoảng 2,64 triệu đồng (tăng 14% so với cùng kỳ năm 2023), Vietjet Air (VJ) khoảng 1,74 triệu đồng (tăng 25%), Bamboo Airways khoảng 2 triệu đồng (tăng 11%) và Vietravel Airlines khoảng 1,5 triệu đồng (tăng 15%).

So với mức giá tối đa theo quy định (3,4 triệu đồng, chưa bao gồm thuế, phí), mức giá vé trung bình này của các hãng chỉ ở mức từ 44,1% đến 77,6%.

Đối với đường bay từ Hà Nội và TP.HCM đi/đến Đà Nẵng: giá vé trung bình của VNA khoảng 1,8 triệu đồng/đường bay (tăng từ 17 - 26%), VJ khoảng 1,3-1,5 triệu đồng/đường bay (tăng 32 - 38%), Bamboo khoảng 1,3 - 1,6 triệu đồng/đường bay (tăng 13 - 29%) và Vietravel khoảng 1,1- 1,4 triệu đồng/đường bay (tăng từ 14%-20%).

So với mức giá tối đa theo quy định (2,89 triệu đồng, chưa bao gồm thuế, phí), mức giá vé trung bình này của các hãng chỉ ở mức từ 38,1% đến 62,3%.

Đối với đường bay từ Hà Nội - Phú Quốc: giá vé trung bình của VNA khoảng 2,7 triệu đồng (tăng 13,8%), VJ xấp xỉ 1,8 triệu đồng (tăng 49,6%). So với mức giá tối đa theo quy định (4 triệu đồng, chưa bao gồm thuế, phí) mức giá vé trung bình này chỉ ở mức từ 45% đến 68%.