Bảo hiểm Prudential cố tình gây khó dễ cho khách hàng?

Các nước EU vẫn mua khí đốt của Nga dù tuyên bố đã dừng

Giám đốc Gazprom cho biết một số quốc gia EU vẫn mua khí đốt của Nga dù trước đây khẳng định đã dừng việc này.

Trong một cuộc phỏng vấn với đài truyền hình nhà nước Nga Rossiya-1, Giám đốc điều hành Gazprom Aleksey Miller cho biết, một số quốc gia EU trước đây khẳng định đã ngừng hoàn toàn việc mua khí đốt Nga nhưng vẫn đang nhận nhiên liệu từ nước này.

Ông Aleksey Miller không nêu thông tin chi tiết về khối lượng khí đốt của Nga mà các quốc gia EU đang nhận.

Ông cũng nói rằng khí đốt chuyển tới họ “không mang màu sắc quốc gia”.

“Chúng tôi biết rằng khí đốt của Nga được cung cấp cho nhiều quốc gia đã tuyên bố từ chối tiêu thụ nó” – ông Miller khẳng định.

Giám đốc điều hành Gazprom không nêu tên cụ thể trong số 27 quốc gia EU tiếp tục nhận khí đốt tự nhiên từ Nga mặc dù tuyên bố ngược lại.

Tuy nhiên, ông nói rằng “Nga hiện đang vận chuyển khí đốt tự nhiên qua Ukraine đến trung tâm Baumgarten của Áo”, một trong những quốc gia lớn nhất ở châu Âu.

Theo ông Miller, đây là một trung tâm rất lớn của châu Âu cung cấp khí đốt cho các quốc gia khác trên khắp EU.

Giám đốc Gazprom cho biết, theo các hợp đồng hiện có, Nga tiếp tục cung cấp khí đốt cho các nước ở phía nam và đông nam châu Âu.

Ông nói: “Tất nhiên khí đốt của Nga vẫn chảy vào thị trường châu Âu và khối lượng không hề nhỏ”.

Ông chỉ ra rằng nhiên liệu này “được tiêu thụ ngay cả bởi những quốc gia tuyên bố rằng thị trường quốc gia của họ không có khí đốt”.

Năm 2022, nguồn cung cấp khí đốt của Nga cho thị trường EU bắt đầu giảm do đường ống dẫn khí đốt tự nhiên Nord Stream bị phá hủy.

Bên cạnh đó, một số quốc gia thành viên EU từ chối thanh toán nhiên liệu của họ bằng đồng rúp, gồm Hà Lan, Đan Mạch, Bulgaria và Phần Lan.

Đáp lại các lệnh trừng phạt của EU năm ngoái, Moscow yêu cầu các nước ủng hộ chiến dịch trừng phạt quốc tế đối với Nga phải thanh toán tiền khí đốt của Nga bằng đồng rúp thay vì USD hoặc euro.

Trong bối cảnh nguồn cung từ Nga giảm, khối này phải tăng cường mua khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG).

Cuối năm 2022, EU được xếp hạng là bên mua LNG lớn nhất thế giới, vượt qua những bên mua hàng đầu từ lâu như Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Năm ngoái, Mỹ trở thành nước xuất khẩu LNG lớn sang thị trường EU, trong khi Nga tăng lượng xuất khẩu LNG lên 20%.

Đầu năm nay, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết EU đã tìm cách vượt qua sự phụ thuộc vào dầu khí của Nga, đồng thời cho biết thêm Moscow đã giảm 80% xuất khẩu khí đốt sang khối này.

Những tuyên bố tương tự cũng được Thủ tướng Đức Olaf Scholz đưa ra.