Bảo hiểm Prudential cố tình gây khó dễ cho khách hàng?

EU có thể áp thuế lên tới 55% với xe điện Trung Quốc

Xe điện từ các công ty Trung Quốc dự kiến chiếm 11% thị trường của EU trong năm 2024 và con số này có thể đạt 20% vào năm 2027.

Phân tích mới nhất của công ty nghiên cứu Rhodium Group cho thấy, Liên minh châu Âu (EU) sẽ cần phải đánh thuế cao hơn dự kiến, có thể lên tới 55%, để hạn chế xe ô tô điện Trung Quốc tràn vào thị trường nội khối.

Phân tích trên được thực hiện trong bối cảnh EU đang tiến hành điều tra chống trợ cấp đối với xe điện nhập khẩu từ Trung Quốc. Rhodium Group, với dự đoán EU sẽ áp thuế từ 15-30% đối với xe điện Trung Quốc, cho biết mức thuế này là không đủ để kiểm soát cạnh tranh từ Trung Quốc. "Ngay cả khi thuế suất được áp dụng ở mức cao nhất trong phạm vi này, một số nhà sản xuất của Trung Quốc vẫn có thể tạo ra lợi nhuận lớn khi xuất khẩu xe sang châu Âu do lợi thế đáng kể về chi phí", báo cáo cho biết.

Các công ty Trung Quốc như BYD, đã vượt qua Tesla để trở thành nhà sản xuất xe điện lớn nhất thế giới vào năm ngoái, có thể bán xe với tỷ suất lợi nhuận cao hơn nhiều ở các khu vực như EU so với thị trường nội địa, bất chấp việc họ phải chịu mức thuế 10%.

EU có thể áp thuế lên tới 55% với xe điện Trung Quốc- Ảnh 1.

Xe điện từ các công ty Trung Quốc dự kiến chiếm 11% thị trường của EU trong năm 2024 và con số này có thể đạt 20% vào năm 2027. Ảnh minh họa - Ảnh: China Daily

Hiện các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc đang lao vào cuộc chiến giá khốc liệt tại "sân nhà". Theo Rhodium Group, mẫu Seal U của BYD, được bán với giá 20.500 euro/xe ở Trung Quốc và 42.000 euro/xe ở EU, ước tính mang lại lợi nhuận 1.300 euro cho mỗi sản phẩm tại thị trường nội địa, so với mức 14.300 euro tại châu Âu. Thậm chí, ngay cả sau khi áp thuế 30%, một công ty như BYD vẫn sẽ thu được lợi nhuận cao hơn tại thị trường EU.

Rhodium Group nhận định: "Việc áp dụng thuế suất cao hơn nhiều, khoảng 45% hoặc thậm chí là 55% đối với các nhà sản xuất như BYD, có thể là cần thiết để khiến việc xuất khẩu sang thị trường châu Âu (của các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc) trở nên không hấp dẫn về mặt thương mại".

Năm ngoái, Ủy ban châu Âu (EC) đã mở cuộc điều tra đối với xe điện và chính sách trợ cấp của Trung Quốc, khi các quan chức cho biết một làn sóng xe điện giá rẻ đang đe dọa các nhà sản xuất trong khối.

Theo một số chuyên gia, các ưu đãi của Chính phủ Trung Quốc vào đầu những năm 2010 đã dẫn đến sự gia tăng các công ty khởi nghiệp và giúp cải thiện năng lực sản xuất pin trong nước, mở đường cho các sản phẩm xe điện với giá phải chăng và có khả năng cạnh tranh toàn cầu.

Các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc phải đối mặt với sự "phản kháng" mạnh mẽ từ Mỹ, khiến thị trường châu Âu trở nên quan trọng hơn đối với các công ty như BYD, vốn đang theo đuổi mục tiêu mở rộng toàn cầu.

Xe điện từ các công ty Trung Quốc dự kiến chiếm 11% thị trường của EU trong năm 2024 và con số này có thể đạt 20% vào năm 2027, theo phân tích của Liên đoàn Giao thông vận tải và Môi trường châu Âu.

Thậm chí, nếu tính cả những chiếc xe được gắn mác "made-in-China" do những công ty không phải của Trung Quốc sản xuất, con số này dự kiến sẽ vượt 25% trong năm nay.

Để đối phó với rủi ro về chính sách, các nhà sản xuất xe điện đang nỗ lực chuyển hoạt động sản xuất sang châu Âu. BYD có kế hoạch xây dựng một nhà máy ở Hungary.

Tuy nhiên, Rhodium Group cho biết thêm rằng EU có thể sử dụng các phương tiện khác nhau để bảo vệ ngành công nghiệp xe điện của châu Âu, chẳng hạn như hạn chế nhập khẩu từ Trung Quốc vì lý do an ninh quốc gia hoặc tăng trợ cấp cho người tiêu dùng lựa chọn xe sản xuất tại EU.