Bảo hiểm Prudential cố tình gây khó dễ cho khách hàng?

"Đại bàng" Nvidia quá kinh khủng: Hợp tác mở nhà máy AI 200 triệu USD sẽ giúp Việt Nam hưởng lợi cực lớn?

Để hiểu rõ hợp tác mở nhà máy AI của Nvidia mang lại lợi ích thế nào cho Việt Nam, chúng ta cần biết tập đoàn này đang làm gì và vì sao họ được coi là thế lực dẫn đầu công nghệ.

Chỉ có 4 công ty trên thế giới có giá trị trên 2 nghìn tỷ USD: Apple, Microsoft, công ty dầu mỏ Saudi Aramco — và tính đến năm 2024 là sự góp mặt của Nvidia.

4 tháng sau chuyến thăm của tỷ phú Jensen Huang, Nvidia đã chính thức hợp tác cùng FPT xây dựng nhà máy AI trị giá 200 triệu USD, mở ra tương lai phát triển đầy tiềm năng cho ngành công nghệ và trí tuệ nhân tạo Việt Nam.

Với nhiều người, Nvidia là cái tên xa lạ khi so với Apple với Microsoft, nhưng tiềm lực và vị thế mà công ty này nắm giữ trong ngành trí tuệ nhân tạo toàn cầu lại ít công ty so bì nổi.

Để hiểu rõ hợp tác chiến lược xây dựng nhà máy của Nvidia mang lại lợi ích to lớn thế nào cho Việt Nam, chúng ta cần biết tập đoàn này đang làm gì và vì sao họ được coi là thế lực dẫn đầu công nghệ tương lai.

Nvidia - Cái tên xa lạ mà quen thuộc

Không giống như Apple, Nvidia không làm ra chiếc điện thoại bóng bẩy được bạn cầm trên tay cả ngày. Nvidia thiết kế một con chip ẩn sâu bên trong những bộ phận phức tạp của máy tính, thứ được doanh nghiệp và hàng tỷ người tin dùng từ nhiều năm qua.

Hãy tua ngược đồng hồ về năm 2019, thời điểm giá trị thị trường của Nvidia chỉ dao động quanh mức 100 tỷ USD, không ai ở thời điểm ấy nghĩ rằng giá trị công ty tăng lên gấp 20 lần một cách đáng kinh ngạc như hiện tại. Tất cả bắt nguồn từ một điều - cơn sốt AI.

Vào năm 1993, rất lâu trước khi những tác phẩm nghệ thuật kỳ lạ do AI tạo ra và các chatbot AI thú vị bùng nổ trên mạng xã hội, ba kỹ sư ở Thung lũng Silicon đã thành lập một công ty khởi nghiệp tập trung vào phân khúc thú vị và đang phát triển nhanh chóng trên máy tính: Trò chơi điện tử.

Nvidia được thành lập để thiết kế một loại chip cụ thể được gọi là card đồ họa - hay GPU (bộ xử lý đồ họa) - cho phép xuất ra hình ảnh 3D trên màn hình máy tính.

Card đồ họa càng tốt thì hình ảnh chất lượng cao được hiển thị càng nhanh, điều này rất quan trọng đối với mục đích chơi game hay chỉnh sửa video.

Trong bản cáo bạch nộp trước đợt chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng vào năm 1999, Nvidia lưu ý rằng thành công trong tương lai của công ty sẽ phụ thuộc vào sự phát triển liên tục của các ứng dụng máy tính dựa trên đồ họa 3D. Trong phần lớn thời gian, công ty giống như một mảng cô lập khi một mình một phân khúc trên thị trường điện toán, với kinh doanh card đồ họa là lý do tồn tại duy nhất.

Kể từ đó, Nvidia âm thầm lớn mạnh trở thành một thế lực card đồ họa phục vụ cho trò chơi điện tử với doanh thu hơn 180 tỷ USD vào năm ngoái. Sau thành công vượt trội, họ nhận ra rằng sẽ là thiếu khôn ngoan khi chỉ sản xuất card đồ họa. Đã đến lúc công ty cần tìm đến những thử thách mới hơn dựa trên nền tảng sẵn có.

"Các đối thủ của Nvidia khi ấy đang ngủ quên trên tay lái. Nvidia từ lâu đã nói về thực tế rằng GPU là công nghệ vượt trội để xử lý tính toán tăng tốc", Gil Luria, nhà phân tích cấp cao từ công ty tài chính DA Davidson Companies, cho biết.

Ngày nay, bốn thị trường chính của Nvidia là card đồ họa chơi game, trực quan hóa chuyên nghiệp (thiết kế 3D), trung tâm dữ liệu và ngành công nghiệp ô tô - cung cấp chip đào tạo công nghệ tự lái.

Vài năm trước, thị trường card đồ họa chơi game vẫn mang lại doanh thu lớn nhất với khoảng 5,5 tỷ USD, so với trung tâm dữ liệu thu về khoảng 2,9 tỷ USD.

Sau khi dịch bệnh bùng phát khiến mọi người ở nhà nhiều hơn, nhu cầu về các bộ phận máy tính, bao gồm cả GPU, tăng vọt, giúp doanh thu của công ty trong năm tài chính 2021 bùng nổ 41%. Nhưng đã có những dấu hiệu về làn sóng AI thậm chí còn tiềm năng hơn khi doanh thu từ trung tâm dữ liệu của Nvidia tăng trưởng đầy ấn tượng: 124%.

Vào năm 2023, doanh thu phân khúc cao này còn hơn 400% so với năm trước - bằng chứng rõ ràng về tốc độ tăng trưởng của cuộc đua AI, các trung tâm dữ liệu đã vượt qua card đồ họa, ngay cả trong thời kỳ thị trường game bùng nổ.

Khi IPO vào năm 1999, Nvidia có 250 nhân viên. Bây giờ họ có hơn 27.000 người. Jensen Huang, Giám đốc điều hành của Nvidia và là một trong những người sáng lập, có tài sản ròng ở mức khoảng 70 tỷ USD, tăng hơn 1.700% kể từ năm 2019.

Có thể bạn đã từng sử dụng các sản phẩm của Nvidia ngay cả khi không biết về nó. Các máy chơi game như PlayStation 3 và Xbox đời đầu có chip Nvidia và Nintendo Switch hiện tại cũng sử dụng chip di động Nvidia. Nhiều máy tính xách tay tầm trung đến cao cấp cũng được trang bị card đồ họa Nvidia cho mục đích xử lý đồ họa và chơi game.

Kẻ dẫn đầu bước vào kỷ nguyên AI

Với cơn sốt AI, Nvidia hứa hẹn sẽ trở thành cái tên quen mặt hơn khi ứng dụng nhiều công nghệ mà mọi người sử dụng hàng ngày.

Tính năng tự lái của ô tô Tesla cũng như hầu hết các dịch vụ điện toán đám mây của các công ty công nghệ lớn đều sử dụng chip Nvidia. Các dịch vụ này đóng vai trò là xương sống cho rất nhiều hoạt động sử dụng Internet hàng ngày, cho dù đó là phát trực tuyến nội dung trên Netflix hay sử dụng các ứng dụng văn phòng và năng suất.

Để đào tạo ChatGPT, OpenAI đã khai thác hàng chục nghìn chip AI của Nvidia cùng lúc. Mọi người thường đánh giá thấp mức độ sử dụng AI hàng ngày vì họ không nhận ra rằng một số tác vụ tự động hóa ngày nay chính là nhờ AI tăng cường.

Các ứng dụng phổ biến và nền tảng truyền thông xã hội dường như đang bổ sung thêm các tính năng AI mới mỗi ngày: TikTok, Instagram, X (trước đây là Twitter).

Với nhu cầu cực kỳ lớn, Nvidia có thể tính giá cao ngất ngưởng cho khách hàng. Các con chip được sử dụng cho các trung tâm dữ liệu AI có giá hàng chục nghìn USD, trong đó sản phẩm cao cấp nhất đôi khi được bán với giá hơn 40.000 USD trên các trang như Amazon và eBay. Năm ngoái, một số khách hàng yêu cầu chip AI của Nvidia đã phải đợi tới 11 tháng.

Có thể coi Nvidia như một thương hiệu thời trang cao cấp chuyên về AI. Một sản phẩm tương đương từ nhà sản xuất chip khác là AMD, đang được bán cho những khách hàng như Microsoft với giá khoảng 10.000 đến 15.000 USD, chỉ bằng một phần nhỏ so giá của Nvidia.

Liệu Nvidia có duy trì được vị thế là một công ty trị giá 2 nghìn tỷ USD hay vươn lên những tầm cao hơn nữa hay không? Điều này về cơ bản phụ thuộc vào sự chú ý dành cho AI trong tương lai cũng như các hạn chế về công nghệ.

Về cơ bản, những con chip hạng nhất của Nvidia vẫn là loại chip được thèm muốn nhất, ít nhất là trong một thời gian dài. Nhưng một khi làn sóng AI nguội dần, nhu cầu về những con chip hiệu suất cao như vậy sẽ ít hơn và vị thế dẫn đầu của Nvidia có thể biến mất.

Cũng có khả năng Nvidia bị cản trở bởi tốc độ phát triển của công nghệ vi mạch, thứ đã phát triển với tốc độ chóng mặt trong vài thập kỷ qua, nhưng có những dấu hiệu cho thấy tốc độ tăng thêm bóng bán dẫn vào vi mạch đang chậm lại.

Ngoài ra, mọi thứ sẽ phụ thuộc vào việc Nvidia có thể tiếp tục đưa ra những cải tiến phần cứng và phần mềm có ý nghĩa để thuyết phục khách hàng mua chip AI mới nhất của mình hay không.

Tuy nhiên, bất chấp tất cả những trở ngại nói trên, giới công nghệ vẫn đặt cược vào việc Nvidia sẽ sớm trở thành một công ty công nghệ quen thuộc như Apple và Google.

Cơn sốt AI là lý do giúp Nvidia bước chân vào câu lạc bộ nghìn tỷ đô - nhưng cũng có thể đúng khi nói rằng làn sóng AI phát triển mạnh đến vậy là nhờ Nvidia.