Bảo hiểm Prudential cố tình gây khó dễ cho khách hàng?

Băn khoăn "số phận" buýt nhanh BRT

Dù Hà Nội đã quyết "xóa sổ" tuyến buýt nhanh BRT đầu tiên của thành phố để thay thế bằng tuyến đường sắt đô thị số 11, song vẫn còn những ý kiến băn khoăn về tương lai lâu dài của loại hình vận tải hành khách công cộng này ở thủ đô.

Tại cuộc làm việc mới đây với Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ năm 2009 đến hết năm 2023, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết thành phố sẽ thay thế tuyến buýt nhanh BRT số 01 Kim Mã - Yên Nghĩa bằng tuyến đường sắt đô thị số 11. Đây là lần đầu tiên một lãnh đạo TP Hà Nội chính thức lên tiếng về việc sẽ "xóa sổ" tuyến buýt nhanh BRT đầu tiên và duy nhất cho tới lúc này ở thủ đô.

Vị lãnh đạo chính quyền TP Hà Nội thông tin về "số phận" BRT số 01 khi tuyến buýt nhanh này suốt hơn 7 năm qua vẫn chưa chứng tỏ được hiệu quả. Tuyến BRT số 01 Kim Mã - Yên Nghĩa được đưa vào sử dụng tháng 12-2016 với tổng mức đầu tư trên 55 triệu USD (khoảng 1.100 tỉ đồng theo tỉ giá lúc đó). Tuyến dài hơn 14 km, sử dụng 55 xe buýt loại 80 chỗ với giá hơn 5 tỉ đồng/xe. Dự án được thực hiện bằng vốn vay của Ngân hàng Thế giới (WB) với mục tiêu cải thiện tình trạng ùn tắc, ô nhiễm, làm nền tảng phát triển hạ tầng giao thông công cộng.

Tuy nhiên, buýt nhanh BRT số 01 đến nay chưa giúp giải quyết được tình trạng ách tắc giao thông nghiêm trọng, nhất là vào các giờ cao điểm, tại một trong tuyến giao thông huyết mạch quan trọng nhất của thủ đô. Thêm nữa, buýt nhanh vẫn phải bù lỗ từ ngân sách. Trong khi đó, sự hiện diện của buýt nhanh lại "chiếm" mất một làn trên tuyến đường vốn đã chật hẹp.

Do đó, luôn có những ý kiến đề nghị "khai tử" buýt nhanh BRT số 01 vì không hiệu quả.

Thế nhưng, nếu xóa bỏ buýt nhanh lại mâu thuẫn với chủ trương dần thay thế phương tiện giao thông cá nhân bằng phương tiện vận tải công cộng. Theo quy hoạch chung thủ đô, TP Hà Nội đã bổ sung 4 tuyến để nâng tổng số tuyến đường sắt đô thị của thành phố lên 14, với kỳ vọng tạo thành xương sống của giao thông đô thị thủ đô. Nhưng đó là tương lai khá xa, tới năm 2050. Đó là chưa kể đầu tư đường sắt đô thị rất tốn kém, thời gian dài nên nguy cơ đội vốn và trễ hẹn rất cao.

Tuyến BRT số 01 chưa hiệu quả như kỳ vọng của dự án, song cũng đã góp phần hình thành văn hóa giao thông công cộng với rất nhiều người. Tuyến buýt này cũng nhanh hơn và đỡ lỗ hơn các tuyến buýt thường khác. Và một trong những yếu tố quan trọng khác là thời gian xây dựng và chi phí đều rẻ hơn đường sắt đô thị rất nhiều.

Vì thế, không ít ý kiến băn khoăn về việc từ bỏ Tuyến BRT số 01. Tuyến buýt nhanh này có thể chưa phù hợp với hạ tầng giao thông hiện nay ở Hà Nội nhưng trong tương lai, khi đồng bộ với các loại hình giao thông công cộng khác lại có thể phát huy hiệu quả.