Bảo hiểm Prudential cố tình gây khó dễ cho khách hàng?

Viettel - ‘Chuyên gia số 1’ hiện tại về chuyển đổi số lĩnh vực công

(Chinhphu.vn) - Với 112 hợp đồng được ký mới trong 6 tháng đầu năm 2022, Viettel đã trở thành đối tác tư vấn, triển khai chuyển đổi số cho khoảng 80 cơ quan Đảng, Chính phủ, bộ, ngành, tổ chức, DN, cũng như các tỉnh, thành phố... trên toàn quốc.

Người dân là trung tâm tiến trình chuyển đổi số

Vai trò ngày càng lớn mạnh của Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội (Viettel) trong chuyển đổi số (CĐS) lĩnh vực công còn thể hiện qua số lượng 67% sản phẩm CĐS mới được Viettel phát triển 6 tháng vừa qua, đều phục vụ cho lĩnh vực này.

Tập đoàn này đã ký kết thỏa thuận hợp tác toàn diện trong tư vấn CĐS với 8 bộ, ngành; giao kết hợp đồng và cung cấp dịch vụ tới hầu hết các đầu mối bộ, ban, ngành và các cơ quan khối Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ.

Mục tiêu của Viettel trong CĐS là chuyển từ lấy Chính phủ, DN làm trung tâm, sang lấy người dân, khách hàng làm trung tâm; chuyển từ các giải pháp đơn lẻ, sang các hệ sinh thái các giải pháp có liên kết và trao đổi thông tin với nhau; chuyển từ trọng tâm giải pháp công nghệ, sang trọng tâm là tập trung dữ liệu và chia sẻ cho các bên.

"Người dân, khách hàng, công chức sẽ được thụ hưởng các thành quả chính của quá trình CĐS. Một yêu cầu xử lý chỉ cần thao tác tại một ứng dụng, các hệ thống sẽ tự làm việc trao đổi thông tin với nhau để trả về kết quả người dùng cần", ông Nguyễn Thanh Nam, Phó Tống giám đốc Tập đoàn Viettel chia sẻ.

Trong quá trình tư vấn CĐS cho các bộ, ngành, Viettel đặt mục tiêu thiết kế hình thành một nền tảng cơ sở dữ liệu tập trung theo nguyên tắc "đúng, đủ, sạch, sống". Trên cơ sở đó, ứng dụng các công nghệ 4.0 hỗ trợ người sử dụng ra quyết định nhanh nhất, chính xác nhất trong công tác quản lý, điều hành và khai thác thông tin. Bên cạnh các giải pháp kỹ thuật, Viettel cũng đồng hành tư vấn đơn vị cải cách, thay đổi phương thức quản lý cũ sang phương thức hiện đại, phù hợp hơn với sự chuyển đổi sang công nghệ số, dữ liệu số.

Là một trong những địa phương đi đầu trong cả nước về ứng dụng CNTT và thực hiện CĐS, ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, Huế đặt mục tiêu trước năm 2025 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương và CĐS là động lực cho mục tiêu này. Ứng dụng đô thị thông minh - Hue S đóng vai trò hạt nhân trong CĐS của Huế.

"Đây là quyết tâm của Huế tập trung cơ chế nguồn lực để phát triển ứng dụng này tốt nhất. Nếu không có Viettel đồng hành với phương thức 'may đo' để triển khai đô thị thông minh thì rất khó thành công", ông Nguyễn Thanh Bình nói.

Đến nay, sau 3 năm đi vào hoạt động, Hue S đã có gần 800.000 lượt tải ứng dụng, tương đương 101,3% tổng số dân trên địa bàn tỉnh có sử dụng điện thoại di động thông minh, với thời gian sử dụng trung bình 35 phút/người/ngày.

Tầm nhìn người đồng hành

Trong quá trình hợp tác CĐS, Viettel tư vấn việc triển khai xây dựng chiến lược 5 năm, tầm nhìn 10 năm để làm lộ trình phát triển. "Đội ngũ của Viettel phải thâm nhập, tìm hiểu những đặc điểm của từng bộ, ngành, địa phương để xác định mục tiêu và bức tranh chung từng đối tác. Từ đó đưa sản phẩm, giải pháp CĐS vào cuộc sống", ông Nguyễn Mạnh Hổ, Tổng Giám đốc Tổng công ty Giải pháp DN Viettel khẳng định.

Với xu thế phát triển mới, Viettel đã phát triển nhiều sản phẩm, dịch vụ ứng dụng công nghệ 4.0 như AI, bigdata, camera AI, e-KYC, chatbot, phân tích dữ liệu chuyên sâu... Các giải pháp đón đầu này của Viettel đã được các địa phương quan tâm triển khai thử nghiệm.

Cách làm cũng được Viettel triển khai xuyên suốt và cũng là thế mạnh vượt trội của tập đoàn so với các đơn vị khác, là sự đồng hành chặt chẽ từ khâu tư vấn xây dựng dự án đến triển khai, vận hành. Cách tiếp cận này của Viettel hoàn toàn khác với việc "mua đứt, bán đoạn" – một hình thức có thể dẫn đến việc một số dự án CĐS địa phương sau khi bàn giao đã rơi vào tình trạng "đắp chiếu".

Chuyển đổi số cho khối bộ, ngành là thị trường lớn

Một điển hình về các dự án CĐS lĩnh vực công là nền tảng dịch vụ công Một cửa quốc gia và một cửa ASEAN. Nền tảng này giúp tạo thuận lợi thương mại cho hàng hóa xuất nhập khẩu, giúp các DN rút ngắn thời gian thông quan.

Một dự án CĐS khác cũng đã được Viettel thực hiện tạo ra hiệu quả rất lớn là Trung tâm Giám sát, điều hành hoạt động tòa án nhân dân. Cùng với hệ thống này là phần mềm trợ lý ảo hỗ trợ cho thẩm phán và nền tảng xét xử trực tuyến hỗ trợ tra cứu văn bản pháp luật, thông tin án lệ. Giải pháp này có thể thúc đẩy tòa án thay đổi hình thức tố tụng giai đoạn xét xử, từ trực tiếp chuyển sang xét xử trực tuyến qua hệ thống cầu truyền hình…

Phát biểu tại lễ khánh thành Trung tâm Giám sát, điều hành hoạt động tòa án nhân dân, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, nền tảng công nghệ số phục vụ đắc lực cho việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của tòa án nhân dân. Đây cũng là sự kiện đánh dấu một bước tiến lớn trong việc ứng dụng CNTT vào hỗ trợ hoạt động của các tòa án.

"Việc ứng dụng CNTT trong công tác tòa án phải quán triệt quan điểm lấy người dân, DN làm trung tâm và là mục tiêu; lấy hiệu lực, hiệu quả hoạt động và lợi ích của người dân, DN và xã hội làm thước đo để đánh giá kết quả. Xác định đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức tòa án là yếu tố quan trọng, quyết định đến sự thành công trong thực hiện chiến lược CĐS, xây dựng tòa án điện tử", Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nói.

Theo đại diện Tổng công ty Giải pháp DN Viettel, lĩnh vực CĐS cho khối bộ, ngành, Chính phủ là thị trường tiềm năng lớn, quy mô phạm vi có thể mở rộng đến toàn bộ cộng đồng người dân và DN trên lãnh thổ Việt Nam. Với thị trường tiềm năng này, Viettel đã đặt ra mục tiêu là đơn vị số 1 về tư vấn CĐS cho cơ quan Chính phủ.

Ngoài danh mục các dự án trọng điểm về CĐS của các bộ, ngành đã đăng ký trong kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021-2025, Viettel sẽ còn phát triển mở rộng nhiều hình thức kinh doanh mới dựa trên các nền tảng, dữ liệu số bằng việc triển khai kinh doanh các giao dịch số, ứng dụng smart cho người dân, khai thác xác thực điện tử…

HM