Bảo hiểm Prudential cố tình gây khó dễ cho khách hàng?

Tuyến cao tốc gần 9.000 tỷ đồng sở hữu hầm đường bộ đứng top đầu Việt Nam băng băng về đích

Dự án cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo đã được hoàn thành 99% để sẵn sàng hoà mình vào huyết mạch giao thông Bắc - Nam.

Muộn nhất ngày 5/4 sẽ hoàn tất các công việc còn lại

Mới đây, cuối tháng 3, Công ty CP cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo cho biết 99% công việc tại dự án cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo đã hoàn thành. Cụ thể, giá trị sản lượng thực hiện tính đến ngày 28/3 là 4.510/4.546 tỷ đồng, giá trị giải ngân là 4.124/4.510 tỷ đồng.

Công tác nghiệm thu các gói thầu đã hoàn thành từ ngày 25/3. Theo kế hoạch, Hội đồng Kiểm tra Nhà nước sẽ kiểm tra dự án trong khoảng thời gian từ 6 – 10/4 nên muộn nhất ngày 5/4 sẽ hoàn tất các công việc còn lại.

Cam Lâm – Vĩnh Hảo là dự án điển hình mà nhà thầu phải đối mặt với rất nhiều khó khăn trong quá trình thi công, bao gồm cả vấn đề địa chất yếu tại phía Nam hầm Núi Vung khi không được đơn vị tư vấn dự báo trong thiết kế kỹ thuật, dẫn đến giảm 2/3 tốc độ đào hầm. 

Đứng trước nguy cơ chậm tiến độ dự án, nhà thầu nhiều lần báo cáo Bộ GTVT kiến nghị điều chỉnh hồ sơ thiết kế phù hợp với điều kiện địa chất thực tế, mời đại diện Hội đồng Kiểm tra Nhà nước, ban QLDA 85, thiết kế kỹ thuật, các chuyên gia tham gia đánh giá và tìm giải pháp xử lý.

Tuyến cao tốc gần 9.000 tỷ đồng sở hữu hầm đường bộ đứng top đầu Việt Nam băng băng về đích- Ảnh 1.

Cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo nhìn từ trên cao. Ảnh: Thảo Quyên - Thế Sơn/An ninh Tiền tệ

Bên cạnh đó, tuyến cao tốc này thi công đúng giai đoạn khó khăn bủa vây từ vật liệu vừa khan hiếm vừa “bão giá”, đại dịch Covid-19 bùng phát mạnh khiến dự án phải lùi lịch khởi công 2 tháng và công tác vận chuyển, đi lại bị hạn chế, đơn vị thi công đã chủ động điều động nhân lực, máy móc thiết bị để ưu tiên tổ chức thi công hầm, tận dụng đá đào hầm đáp ứng tiêu chuẩn để xử lý phục vụ thi công một số hạng mục khác.

Ông Đặng Tiến Thắng – Phó Giám đốc Công ty CP cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo (DNDA) cho hay, nhà đầu tư đã nghiên cứu áp dụng phương pháp đào gương hầm nửa trên, đồng thời kết hợp làm vòm ngược, chống tạm kết cấu trong khi thi công, kiểm soát biến dạng 2 giờ/lần đo, thi công 24/7. Đơn vị này cũng tăng cường tổ chức các mũi thi công ở phía Bắc hầm để bù tiến độ.

Dự án Cam Lâm – Vĩnh Hảo có sự quan tâm chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, Bộ GTVT, sự phối hợp sát sao của địa phương và các đơn vị liên quan, cùng với đơn vị thi công có tinh thần quyết tâm cao, làm việc bài bản, lao động sáng tạo nên đã băng băng về đích. 

Dự án cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo đang băng về đích, sẽ hoà mình vào mạng lưới giao thông Bắc – Nam để phục vụ giao thông thuận lợi, an toàn cho người dân vào một ngày không còn xa, chính là minh chứng xác đáng nhất cho sự sáng tạo, vượt khó của nhà đầu tư dự án.

Giải được “bài toán” đa dạng hoá nguồn vốn

Thời điểm hợp đồng được ký vào tháng 7/2021, dự án cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo là dự án cuối cùng trong 3 dự án PPP thành phần thuộc cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020 ký kết hợp đồng BOT, nhưng đồng thời là dự án đầu tiên hoàn thành việc thu xếp vốn bao gồm vốn chủ sở hữu và vốn huy động khác để triển khai thi công. 

Bên cạnh việc nghiên cứu, lựa chọn phương án để tiết giảm 891 tỷ đồng, tương đương gần 10% tổng mức đầu tư dự án, nhà đầu tư đã sáng tạo mô hình huy động vốn “3P+” (hay còn gọi là “PPP+”) để đa dạng hoá nguồn vốn đầu tư vào dự án, giảm sự phụ thuộc vào vốn tín dụng. 

Tuyến cao tốc gần 9.000 tỷ đồng sở hữu hầm đường bộ đứng top đầu Việt Nam băng băng về đích- Ảnh 2.

Quang cảnh hầm Núi Vung trên tuyến cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo. Ảnh: Báo Ninh Thuận

Trong chuyến thị sát công trường cao tốc Bắc – Nam xuyên Tết Nguyên đán 2022 của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, khi dừng chân tại cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo, Thủ tướng đã ghi nhận và biểu dương nhà đầu tư khi giải được “bài toán” đa dạng hoá nguồn vốn.

“Tại dự án cao tốc Cam Lâm – Vĩnh hảo, nhà đầu tư có 4 nguồn huy động vốn tín dụng và đã huy động thành công, trong khi 2 dự án PPP còn lại chưa có vốn tín dụng, chưa có phương án đa dạng hoá nguồn vốn nên nhà đầu tư gặp khó khăn. Qua đây để thấy bài học kinh nghiệm là phải đa dạng hoá nguồn vốn để triển khai đầu tư”, Thủ tướng nói.

Ông Hồ Minh Hoàng – Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả, đại diện nhà thầu chia sẻ: “Lợi nhuận không cao, chi phí thi công có thời điểm đội lên đến 40% do giá vật liệu tăng phi mã, nên doanh nghiệp phải dựa vào sản lượng, khấu hao thiết bị, lấy công làm lời, nhưng vẫn trên tinh thần chia sẻ đồng hành cùng Chính phủ trong mục tiêu hoàn thành mạng lưới đường cao tốc xuyên Việt”.

Dự kiến, cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo sẽ khánh thành, chính thức được đưa vào quản lý, vận hành trong nửa sau của tháng 4/2024.

Cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo là 1 trong 3 dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 được thực hiện theo phương thức đối tác công - tư (PPP). Dự án có chiều dài 78,5km, đi qua 3 tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, do liên danh Tập đoàn Đèo Cả - Công ty 194 thực hiện.

Trên tuyến có 34 cầu, gồm 22 cầu trên đường cao tốc, 11 cầu vượt cao tốc và 1 cầu trên đường kết nối cao tốc với QL1 tại nút giao Du Long.

Dự án có tổng mức đầu tư hơn 8.925 tỉ đồng, thời gian thực hiện 24 tháng; riêng hạng mục hầm núi Vung dài 2,25 km thông qua 2 tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận có thời gian thực hiện là 30 tháng.

Hầm núi Vung thuốc cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo dài 2,25km, gồm 2 ống hầm mỗi ống 3 làn xe, bề rộng hầm 14m. Đây là 1 trong 4 hầm quy mô lớn nhất Việt Nam trên tuyến cao tốc Bắc Nam, sau các hầm Hải Vân, Đèo Cả, Cù Mông. Hạng mục hầm Núi Vung có tổng vốn đầu tư khoảng 1.600 tỷ đồng.