Bảo hiểm Prudential cố tình gây khó dễ cho khách hàng?

Thời tiết Tp.HCM thất thường, bệnh hô hấp tăng khi trời chuyển lạnh

Thời tiết ở Tp.HCM chuyển lạnh, nên số lượng bệnh nhân đến bệnh viện thăm khám về bệnh hô hấp tăng hơn trước. 

Số lượng bệnh nhi khám hô hấp tăng

Ngày 29/11, chị Thanh Dung, ngụ quận 12, Tp.HCM đưa con đến khám tại Bệnh viện Nhi đồng 2, khi “xuất hiện triệu chứng sốt”.

Chị Dung vẫn cho trẻ đến trường bình thường nhưng khi giáo viên thông báo con sốt cao, mệt mỏi, li bì, má đỏ… gia đình đã đưa bé về và cho bé thăm khám tại một phòng khám tư gần nhà. Bé được chẩn đoán bị sốt siêu vi. Dù chị Dung đã cho bé uống thuốc theo toa bác sĩ kê nhưng cứ mỗi 4 tiếng thì bé lại sốt trở lại nên phải đưa bé đến bệnh viện.

BS.CK2 Nguyễn Thanh Hải, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết, khoảng 3 tuần gần đây số bệnh nhi tới thăm khám do mắc các bệnh về viêm đường hô hấp tăng so với trước đây.

Trung bình mỗi ngày Khoa Khám bệnh tiếp nhận khoảng 100 -150 trường hợp được chẩn đoán là viêm hô hấp trên. Số lượng bệnh nhân điều trị nội trú cũng tăng so với thời gian trước.

Bệnh viêm hô hấp trên đa số là do siêu vi trùng gây ra, trong đó, Adeno virus chiếm trên 50%. Sở dĩ thời gian gần đây nhiều trẻ bị mắc bệnh về đường hô hấp là do Tp.HCM đang ở trong giai đoạn giao mùa, mức nhiệt chênh lệch giữa sáng và trưa cao hơn trong khi đó nhóm siêu vi này phát triển tốt trên nền nhiệt độ khoảng 30 độ C.

Sốt siêu vi là một nhóm bệnh lý ít có biến chứng nặng, trong đó Adeno virus chiếm tỷ lệ lớn, đa số các bệnh nhân mắc phải nhóm siêu vi này không cần phải nhập viện và tỷ lệ biến chứng cũng không cao.

Tuy nhiên, phụ huynh tuyệt đối không được chủ quan vì các bệnh cũng có thể trở nặng và gặp các biến chứng nguy hiểm nếu trẻ có bệnh nền như suy thận, bệnh lý về máu, ung thư, suy dinh dưỡng…

Thống kê tại các bệnh viện chuyên khoa nhi trên địa bàn Tp.HCM những ngày cuối tháng 11/2023, số lượng trẻ đến thăm khám liên tục tăng. Tại Bệnh viện Nhi đồng 1, tỷ lệ trẻ phải nhập viện do mắc các bệnh lý về đường hô hấp đã tăng lên 20% so với thời gian trước đây. Đa phần bệnh nhi bị viêm phổi, viêm tiểu phế quản do nhiễm siêu vi.

TS.BS Trần Anh Tuấn, Trưởng khoa Hô hấp Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết, trẻ điều trị tại khoa chủ yếu nhiễm trùng hô hấp, trong đó nhiều trẻ viêm hô hấp nặng, đặc biệt là viêm phổi và viêm tiểu phế quản. Đa số phụ huynh đưa trẻ đến bệnh viện kịp thời và bệnh nhi từ các tỉnh chiếm 60% tổng số ca.

Theo thống kê của Sở Y tế Tp.HCM, từ đầu tháng 11 đến nay, số ca bệnh hô hấp ở trẻ tiếp tục tăng. Kết quả phân tích nguyên nhân số ca mắc tăng gần đây cho thấy, virus vẫn là nguyên nhân chính gây nên bệnh cảnh viêm hô hấp cấp tính, cùng với thời tiết chuyển mùa đã dẫn đến hiện tượng này.

Lý giải thời tiết "sáng lạnh trưa nóng"

Trao đổi với Người Đưa Tin, Th.s Lê Đình Quyết, Trưởng phòng Dự báo, Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam bộ đã đưa ra những khuyến cáo quan trọng về hiện tượng thời tiết bất thường trong thời gian gần đây.

Cuối năm thời tiết đầu giờ sáng thường se lạnh, nhiệt độ không khí thấp nhất khoảng 23-24 độ C, có ngày xuống 20-21 độ C. Đầu buổi sáng thường có sương mù nhưng đến trưa, đầu giờ chiều thì nhiệt độ tăng dần, có ngày đạt ngưỡng nắng nóng (nhiệt độ không khí cao nhất trên 35 độ C).

Hình thế thời tiết vào cuối năm tùy theo từng ngày, thông thường khu vực Nam bộ và Tp.HCM chịu tác động của áp cao lạnh lục địa từ phía Bắc khuếch tán xuống phía Nam.

Nếu cường độ áp cao này mạnh sẽ tác động làm cho thời tiết Nam Bộ nhiệt giảm, sáng sớm nhiệt xuống khá thấp. Nếu kết hợp trên cao là hệ thống áp cao cận nhiệt đới lấn về phía Tây, sẽ có những thời điểm ẩm từ biển được đẩy theo rìa Tây Nam của áp cao cận này vào gây mưa trái mùa ở Tp.HCM và Nam bộ.

“Sau đó, nếu áp cao này vẫn khống chế trên khu vực thì trên cao sẽ là trường phân kỳ, dòng không khí đi từ trên giáng xuống, làm hạn chế các quá trình bốc hơi, hạn chế dòng đi lên. Do đó, ít hình thành mây, bầu trời quang nên ban đêm, sáng sớm mặt đất mất nhiệt nhanh, đến buổi trưa thường nắng mạnh. Nhiệt độ lúc sáng sớm và đầu giờ chiều có khi chênh nhau 11-13 độ C”, ông Quyết phân tích.

Dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam bộ cho biết, các tỉnh, thành Nam bộ hiện nay đã phổ biến kết thúc mùa mưa, bước vào mùa khô 2023-2024. Một vài ngày cuối tháng 11 và trong tháng 12 vẫn xuất hiện những cơn mưa, song không liên tục, kéo dài. Đó là những trận mưa trong mùa khô, chứ không phải mùa mưa kéo dài.

Theo các chuyên gia y tế, cơ thể luôn thích nghi với môi trường bên ngoài nhưng phải có quá trình, nếu điều kiện thời tiết có sự thay đổi nhanh thì cơ thể không kịp thích nghi.

Buổi sáng, cơ thể quen với điều kiện thời tiết nhiệt độ không khí thấp, trời se lạnh. Nhưng đến trưa, nhiệt độ tăng cao, biên độ nhiệt độ dao động lên tới hàng chục độ C, cường độ nắng mạnh, bức xạ mặt trời mạnh, tia UV cao, độ ẩm không khí giảm nhanh. Các yếu tố này làm cho cơ thể nhanh bị mất nước, dẫn đến mệt mỏi, nếu làm việc lâu ngoài trời dễ bị say nắng.

Trong khi đó, hiện tượng thời tiết sáng se lạnh, trưa trời nắng mạnh sẽ còn diễn ra từ nay tới Tết Âm lịch, thậm chí qua Tết. Người dân cần chú ý sáng sớm khi ra đường mặc áo giữ ấm, nhất là cho trẻ em. Buổi chiều nếu làm việc ngoài trời cần trang bị đồ chống nắng, uống nhiều nước.

Để phòng bệnh viêm hô hấp cho trẻ em nói riêng và cộng đồng nói chung, Sở Y tế Tp.HCM khuyến cáo, người dân cần rửa tay thường xuyên bằng nước và xà phòng cho bản thân người lớn và cho trẻ em và luôn luôn che miệng, mũi khi ho, khi hắt hơi. Ngoài việc tiêm chủng đầy đủ theo lịch tiêm chủng mở rộng, khuyến khích tiêm các vaccine cúm, phế cầu nếu có đủ điều kiện.

Trẻ em có bệnh lý nền cần được theo dõi, điều trị ổn định để giảm thiểu nguy cơ chuyển nặng. Phụ nữ có thai, người già, người có bệnh lý nền cần tiêm vaccine cúm hàng năm. Bên cạnh đó, người đang có các triệu chứng viêm hô hấp nên mang khẩu trang và hạn chế tiếp xúc với người xung quanh. Giữ ấm cơ thể, duy trì chế độ dinh dưỡng cân đối, dinh dưỡng hợp lý theo tuổi và giữ gìn nhà cửa sạch thoáng.