Bảo hiểm Prudential cố tình gây khó dễ cho khách hàng?

Phó Thủ tướng: Điện Biên cần ưu tiên nguồn lực cho hạ tầng kết nối liên vùng

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà lưu ý, Điện Biên cần ưu tiên nguồn lực để đầu tư cho các dự án hạ tầng quan trọng nhằm mục đích liên kết vùng, liên kết các địa phương.

Động lực phát triển mới cho “xứ sở hoa ban”

Được ví như người lính “công binh mở đường”, công tác quy hoạch có vai trò hết sức quan trọng, là cơ hội tạo ra không gian và động lực phát triển mới của đất nước, các vùng và các địa phương.

Tính đến tháng 2/2024, cả nước có 60/63 quy hoạch tỉnh, thành phố đã hoàn thành xong; trong đó, có 55/63 quy hoạch tỉnh, thành phố đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đây là cố gắng lớn khi các quy hoạch, nhất là quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh được lập theo phương pháp tích hợp mới theo quy định của Luật Quy hoạch 2017.

Trong số đó, Quy hoạch tỉnh Điện Biên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký phê duyệt vào ngày 27/1/2024.

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, Quy hoạch tỉnh Điện Biên được lập trong bối cảnh có những thuận lợi là đã có Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; Nghị quyết số 11- của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh vùng Trung du và miền núi phía Bắc; có Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025.

“Đặc biệt có Quy hoạch tổng thể quốc gia và các quy hoạch ngành quốc gia đã được phê duyệt. Đây là căn cứ rất quan trọng để tỉnh Điện Biên xem xét, cụ thể hóa những định hướng phát triển trên địa bàn”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương phát biểu tại Hội nghị thẩm định Quy hoạch tỉnh Điện Biên chiều 27/10/2023.

Chính sách - Phó Thủ tướng: Điện Biên cần ưu tiên nguồn lực cho hạ tầng kết nối liên vùng

Thành phố Điện Biên Phủ rực rỡ cờ hoa chào mừng Năm Du lịch quốc gia 2024 (Ảnh: Ngọc Tân).

Quy hoạch đặt ra mục tiêu cụ thể đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh Điện Biên giai đoạn 2021 - 2030 đạt 10,51%/năm. Cơ cấu kinh tế đến năm 2030, ngành dịch vụ chiếm khoảng 41,2%; ngành nông, lâm nghiệp và thuỷ sản chiếm khoảng 12,7%; ngành công nghiệp - xây dựng chiếm khoảng 42,4% (trong đó công nghiệp chiếm khoảng 12,1%).

Đến năm 2030 GRDP bình quân/người đạt trên 113 triệu đồng (theo giá hiện hành), năng suất lao động đạt 190 triệu đồng (theo giá hiện hành); giảm tỉ lệ hộ nghèo tiếp cận đa chiều xuống còn dưới 8%.

Điện Biên hội tụ đủ tiềm năng, lợi thế và cơ hội

Sau khi Quy hoạch được Thủ tướng phê duyệt, sáng 17/3/2024, Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh, thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã diễn ra. Tại đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nêu rõ, Điện Biên hội tụ đủ tiềm năng, lợi thế và cơ hội nổi trội, khác biệt để phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, đồng thời đóng vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh của vùng Trung du và miền núi phía Bắc.

Thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương những thành tựu nổi bật của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Điện Biên đã đạt được trong suốt chặng đường vừa qua. “Đây cũng là những nền tảng vững chắc, thuận lợi để Điện Biên tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong những năm tới”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Chính sách - Phó Thủ tướng: Điện Biên cần ưu tiên nguồn lực cho hạ tầng kết nối liên vùng (Hình 2).
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà trao Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Điện Biên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cho lãnh đạo tỉnh Điện Biên (Ảnh: VGP).

Trao đổi một số vấn đề đặt ra trong quá trình triển khai Quy hoạch, Phó Thủ tướng cho rằng, trước hết, Điện Biên cần ưu tiên nguồn lực đầu tư cho được các dự án hạ tầng quan trọng để liên kết vùng, với các địa phương của Lào, Trung Quốc và các nước Đông Nam Á.

Đặc biệt là hạ tầng giao thông, hạ tầng năng lượng, hạ tầng số, giáo dục, y tế, văn hóa, nhằm dẫn dắt thúc đẩy thu hút các dự án có tính động lực, trọng tâm, trọng điểm, có tác động lan tỏa và trực tiếp phục vụ các định hướng, nhiệm vụ, mục tiêu đặt ra trong Quy hoạch tỉnh, cũng như của vùng Trung du và miền núi phía Bắc.

Phó Thủ tướng đề nghị Điện Biên thu hút các doanh nghiệp du lịch lớn thiết kế sản phẩm đẳng cấp, độc đáo với với “xứ sở hoa ban” như du lịch mạo hiểm, du lịch văn hóa, du lịch trải nghiệm gắn với đời sống sinh hoạt hàng ngày của đồng bào các dân tộc; tăng cường quảng bá thương hiệu và kết nối điểm đến, sản phẩm du lịch giữa các địa phương nhất là Lào Cai, Sơn La và tỉnh Vân Nam (Trung Quốc).

"Điện Biên xúc tiến, mời gọi các nhà đầu tư có tên tuổi, uy tín để tư vấn cho các quy hoạch phát triển đô thị, du lịch vừa có tính hiện đại, vừa gìn giữ những giá trị lịch sử, bản sắc văn hoá, tôn vinh nét đẹp của thiên nhiên, trong rừng có phố, trong phố có rừng. Đồng thời, khắc phục được tồn tại của các đô thị hiện nay như ô nhiễm nguồn nước mặt, nước ngầm, ùn tắc giao thông, quản trị mật độ dân số", Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà lưu ý.

Phó Thủ tướng cũng nêu rõ, Điện Biên cần đề xuất những cơ chế, chính sách đặc thù để đạt được những mục tiêu đặt ra, trước hết là có những dự án kết nối của vùng Trung du và miền núi phía Bắc cũng như cả nước.

Cùng với sự quan tâm đặc biệt của Trung ương, ý chí quyết tâm, tinh thần đoàn kết, năng động, sáng tạo của Đảng bộ, chính quyền và khát khao vươn lên của nhân dân, Phó Thủ tướng tin tưởng Điện Biên sẽ bước vào chặng đường phát triển mới, sớm đạt mục tiêu phát triển xanh, nhanh, bền vững và toàn diện, phát triển thành tỉnh khá của vùng Trung du và miền núi phía Bắc trong những năm sắp tới.