Bảo hiểm Prudential cố tình gây khó dễ cho khách hàng?

Nỗ lực ổn định giá những tháng cuối năm

Mặc dù lạm phát được kiểm soát, nhưng vẫn có một số áp lực lên mặt bằng giá trong những tháng cuối năm.

Nỗ lực ổn định giá những tháng cuối năm - Ảnh 1.

Nhiều mặt hàng đã tăng giá nhẹ. Ảnh: Quang Vinh.

Điều hành giá ổn định

Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo 348 kết luận của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái – Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá về định hướng công tác quản lý, điều hành giá những tháng cuối năm 2023.

Theo đó tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến giá cả, lạm phát trên thế giới, kịp thời cảnh báo các nguy cơ gây nên lạm phát trong nước; thực hiện hiệu quả và linh hoạt vai trò điều tiết, bình ổn giá các mặt hàng nhà nước quản lý. Các bộ, ngành, địa phương cần chuẩn bị đầy đủ nguồn hàng, không để đứt gãy nguồn cung, nhất là các mặt hàng lương thực, thực phẩm, hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu của người dân, nhất là trong các dịp lễ, tết cuối năm...

Năm 2023, mục tiêu kiểm soát lạm phát được đưa ra ở trong con số 4,5%. 7 tháng đầu năm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân tăng 3,12% so với cùng kỳ năm. Chỉ còn 5 tháng nữa kết thúc năm tài chính 2023, tính ra dư địa kiểm soát lạm phát đang tăng dần.

Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, chuyên gia kinh tế - PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, các cơ quan quản lý Nhà nước cần tăng cường kiểm soát giá các loại hàng hóa, đặc biệt là những hàng hóa thực hiện bình ổn giá như: Xăng dầu, vật tư xây dựng, cước phí vận tải, nguyên liệu đầu vào của nông nghiệp, giá một số thiết bị vật tư, y tế, giáo dục.

Theo ông Thịnh, thời gian gần đây giá xăng dầu có biến động tăng, ảnh hưởng khá mạnh đến tâm lý của cả người tiêu dùng và người bán hàng. “Do vậy, cần phải lưu ý đến điều hành giá xăng dầu vì đây là mặt hàng nhạy cảm” – ông Thịnh nói đồng thời cho rằng, tăng cường kiểm soát giá song song với đó là các giải pháp bảo vệ người tiêu dùng. Theo đó, trước tiên, nhà quản lý cần yêu cầu nhà cung cấp phải công bố, niêm yết giá công khai, minh bạch.

Đưa ra một số khuyến nghị để điều hành giá, kiểm soát lạm phát đạt mục tiêu đề ra những tháng cuối năm, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú nhấn mạnh, trước hết các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp (DN) của Chính phủ cần thực hiện nhanh, làm sao để các DN dễ tiếp cận. Đẩy mạnh hỗ trợ DN nâng cao năng suất lao động, đưa công nghệ vào sản xuất hạ giá thành sản phẩm, phục vụ cho tiêu dùng nội địa với các mặt hàng thiết yếu cần kiểm soát chặt chẽ giá cả một cách hợp lý.

“Bên cạnh đó, tăng cường kiểm soát thị trường, đẩy mạnh chống gian lận thương mại, bảo vệ các DN làm ăn chân chính. Các mặt hàng là đầu vào của xã hội như xăng dầu, than, điện… cần quản lý một cách chặt chẽ, tránh những điều hành đột biến không có lợi cho thị trường” – ông Phú nhấn mạnh.

Nguồn cung hàng hóa dồi dào

Ghi nhận thị trường của phóng viên cho thấy, hàng hóa tại các chợ, siêu thị rất dồi dào. Các địa phương cũng đang tích cực triển khai nhiều chương trình khuyến mãi để kích sức mua. Tại TPHCM đang diễn ra chương trình khuyến mại tập trung năm 2023 và kéo dài đến hết ngày 15/9/2023. Chương trình có sự tham gia của khoảng 3.000 DN, trên 7.000 hoạt động khuyến mãi, với đa dạng hình thức kích cầu tiêu dùng.

Thông qua chương trình này, cộng đồng DN sẽ chủ động thực hiện các hoạt động khuyến mại phong phú nhằm khuyến khích sức mua.

Với các siêu thị, thực hiện nhiều chương trình khuyến mãi lớn để bình ổn giá và góp phần kiểm soát lạm phát. Đơn cử hệ thống siêu thị Co.opmart và Co.opXtra trên cả nước cũng tiến hành khuyến mãi giảm giá cực mạnh như giá mạnh đến 50% cho khoảng 1.000 sản phẩm gồm các loại thực phẩm tươi sống, thực phẩm chế biến sẵn, các loại nước giải khát, thực phẩm khô, hóa mỹ phẩm và dụng cụ nhà bếp và hàng thời trang.

Trong khi đó tại Hà Nội, các loại hàng hóa thiết yếu, lương thực thực phẩm tại các chợ truyền thống, siêu thị, chợ dân sinh được bày bán dồi dào với giá cả có xu hướng tăng nhẹ. Đơn cử, khảo sát của phóng viên tại các chợ Gia Lâm, Hoàng Cầu, Hà Đông, giá thịt lợn có xu hướng tăng, theo đó, giá nạc thăn, nạc mông ở mức 140.000 đồng/kg; sườn thăn, thịt nạc vai giòn 150.000 đồng/kg. So với hồi cuối tháng 7/ 2023, giá thịt bán lẻ tại các chợ đã tăng từ 10.000 - 15.000 đồng/kg, tùy khu vực. Cùng với đó, giá giò- chả lợn cũng tăng tương ứng 10.000 đồng/kg, tùy loại. Giá các loại hoa quả, nhất là một số loại hoa quả nhập tăng từ 10 - 15% tùy từng loại so với ngày thường do nhu cầu cúng Rằm tháng 7.

Trong đó giá na dao động từ 45.000 – 80.000 đồng/ kg tùy từng loại, giá thanh long 55.000 đồng/ kg, dưa lưới vàng 65.000 đồng/ kg. Còn hàng công nghệ phẩm chế biến như dầu ăn, đường, nước mắm... có giá ổn định.

Năm 2023, mục tiêu kiểm soát lạm phát được đưa ra ở trong con số 4,5%. 7 tháng đầu năm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân tăng 3,12% so với cùng kỳ năm. Chỉ còn 5 tháng nữa kết thúc năm tài chính 2023, tính ra dư địa kiểm soát lạm phát đang tăng dần.