Bảo hiểm Prudential cố tình gây khó dễ cho khách hàng?

Lệnh trừng phạt với Nga đang khiến các công ty công nghệ Trung Quốc 'đau đầu'

Tuân thủ chúng sẽ đi ngược lại chính sách của chính phủ Trung Quốc, nhưng không tuân theo có nguy cơ sẽ trở thành "Huawei thứ 2".

Mỹ đang thực hiện các lệnh trừng phạt đối với việc xuất khẩu các sản phẩm công nghệ cao sang Nga, nhưng việc này đang tạo ra một tình thế khó xử cho các công ty công nghệ Trung Quốc, từ gã khổng lồ về dịch vụ gọi xe Didi Chuxing đến nhà cung cấp điện thoại thông minh Xiaomi.

Bởi, việc nhanh chóng tuân thủ các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga sẽ đi ngược lại chính sách chính thức của chính phủ Trung Quốc về việc phản đối các lệnh trừng phạt. Động thái này cũng đồng thời khiến một bộ phận người tiêu dùng thân Nga ở nước này tức giận.

Ví dụ, gã khổng lồ về dịch vụ gọi xe Didi Chuxing - hiện đang bị chính quyền Bắc Kinh điều tra an ninh mạng - đã phải hủy bỏ quyết định rời khỏi Nga trước đó, sau khi kế hoạch này gây ra nhiều tranh cãi.

Tuy nhiên, mặt khác, các công ty Trung Quốc khó có thể phớt lờ các lệnh trừng phạt và cấm vận thương mại đối với Nga. Vì điều này có thể mang lại rủi ro pháp lý cho hoạt động của họ ở Mỹ và châu Âu.

Lệnh trừng phạt với Nga đang khiến các công ty công nghệ Trung Quốc đau đầu - Ảnh 1.

Lệnh trừng phạt của Mỹ có phạm vi bao phủ rất lớn.

Lựa chọn khó khăn

Paul Haswell, đối tác của công ty luật Seyfarth Shaw, cho biết các công ty Trung Quốc có thể bị phạt theo quy định và các hình phạt khác do vi phạm lệnh trừng phạt, nếu họ tiếp tục làm việc với các tổ chức của Nga.

Haswell cho biết: "Các khoản tiền phạt như vậy có thể lên tới hàng tỷ đô la Mỹ và các hình phạt sẽ bao gồm phạt tù và thậm chí là các biện pháp trừng phạt áp dụng trực tiếp đối với những công ty vi phạm lệnh trừng phạt nếu vi phạm đặc biệt nghiêm trọng".

"Hãy nhớ rằng một trong những cáo buộc đối với Mạnh Vãn Chu của Huawei là do vi phạm các lệnh trừng phạt [chống lại Iran]", vị luật sư đề cập đến giám đốc tài chính của Huawei, người bị quản thúc tại gia 1.000 ngày ở Canada sau yêu cầu dẫn độ của Mỹ.

Tuy nhiên, không giống như một số công ty công nghệ phương Tây đã gấp rút thực hiện các hạn chế xuất khẩu sản phẩm và dịch vụ sang Nga, các công ty công nghệ Trung Quốc cho đến nay vẫn giữ im lặng về việc liệu họ có cắt đứt với Nga liên quan tới quyền tiếp cận chất bán dẫn và các công nghệ tiên tiến khác trong lĩnh vực quân sự, công nghệ sinh học và hàng không vũ trụ hay không.

Theo lệnh trừng phạt xuất khẩu của Mỹ đối với Nga, bất kỳ hàng hóa công nghệ nào được sản xuất ở nước ngoài sử dụng máy móc, phần mềm hoặc bản thiết kế của Mỹ sẽ bị cấm xuất khẩu sang nước này. Các công ty ở Hàn Quốc và Nhật Bản đã nhanh chóng cho biết họ sẽ tuân thủ.

Lệnh trừng phạt với Nga đang khiến các công ty công nghệ Trung Quốc đau đầu - Ảnh 2.

Bà Mạnh Vạn Chu trong thời gian bị quản thúc ở Canada.

Sự im lặng

Tuy nhiên, Lenovo, nhà sản xuất máy tính cá nhân lớn nhất thế giới của Trung Quốc, đã ngay lập tức bị chỉ trích tại nước này trong bối cảnh có thông tin cho rằng họ đã ngừng bán hàng cho Nga giống như Dell và Intel của Mỹ. Lenovo vẫn chưa đưa ra tuyên bố chính thức về vấn đề này.

Sự im lặng một phần liên quan đến việc Bắc Kinh chính thức phản đối các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga.

Tuy nhiên, lập trường này không mang lại nhiều sự thoải mái cho các công ty Trung Quốc. Bởi không ai muốn giống như Huawei và ZTE Corp, đã phải nhận các hình phạt trong quá khứ vì không tuân thủ các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với một quốc gia bên thứ ba, chẳng hạn như Iran.

Zhuhai Zhenrong, một công ty kinh doanh dầu từng mua dầu thô từ Iran, đã mất đi vị thế trên thị trường sau khi bị Mỹ trừng phạt.

Và các biện pháp trừng phạt mới có thể mang lại những bất ổn mới cho các công ty muốn chống lại nó, giống như việc Huawei đã phải chứng kiến ​​hoạt động kinh doanh smartphone béo bở của mình bị vùi dập bởi các hạn chế thương mại của Mỹ khi cắt đứt quyền tiếp cận với các công nghệ chip tiên tiến.

Năm ngoái, Huawei đã ký một thỏa thuận với MTS, nhà khai thác di động lớn nhất của Nga, để triển khai các dịch vụ 5G thương mại tại nước này. Huawei cũng đã làm việc với Rostelecom, một nhà điều hành truyền thông của Nga nằm trong danh sách trừng phạt mới của Mỹ, về các nỗ lực số hóa của họ, theo các tuyên bố trước đó trên trang web của công ty.

Trong khi đó, Semiconductor Manufacturing International Corp (SMIC), xưởng đúc wafer hàng đầu của Trung Quốc, vẫn chưa đưa ra tuyên bố về vấn đề này.

Ngược lại, Taiwan Semiconductor Manufacturing Co (TSMC), nhà sản xuất chip theo hợp đồng hàng đầu thế giới, ngay lập tức cho biết họ sẽ tuân thủ các biện pháp kiểm soát xuất khẩu áp đặt lên Nga.

Lệnh trừng phạt với Nga đang khiến các công ty công nghệ Trung Quốc đau đầu - Ảnh 3.

Huawei đang tìm cơ hội phát triển mới ở Nga, sau các lệnh trừng phạt của Mỹ.

Tuy nhiên, chỉ riêng về chất bán dẫn, Nga không phải là thị trường quan trọng đối với Trung Quốc, theo Douglas Fuller, phó giáo sư tại Đại học Thành phố Hồng Kông. Ông nói: "Toàn bộ nhập khẩu chất bán dẫn của Nga, trị giá khoảng 500 triệu USD, là rất nhỏ so với thị trường toàn cầu".

Lenovo và SMIC đã không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận. Huawei cũng từ chối bình luận.

Theo hay không theo?

Nhưng, các công ty Trung Quốc cũng khó có thể tuân thủ các lệnh trừng phạt nước ngoài bởi có sự tồn tại của bộ luật chống trừng phạt mới của Trung Quốc.

Luật có hiệu lực từ tháng 6 năm ngoái, đánh dấu sự trả đũa của Trung Quốc đối với các lệnh trừng phạt của nước ngoài áp đặt lên nước này và có thể được áp dụng trong trường hợp hiện tại nếu lợi ích của Trung Quốc có liên quan, mặc dù nước này không phải là mục tiêu trực tiếp, theo luật sư Haswell.

Nhìn chung, các hạn chế mới đối với Nga sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu công nghệ cao của Trung Quốc sang nước đó, theo Heiwai Tang, quyền Giám đốc Viện Toàn cầu Châu Á tại Đại học Hồng Kông, cho biết.

"Các mặt hàng xuất khẩu chính từ Trung Quốc sang Nga bao gồm thiết bị phát thanh truyền hình, máy tính và phụ tùng xe cộ", Tang cho biết. "Bất kể quốc gia xuất xứ của chúng là gì, một số hàng hóa đó chứa thiết bị, phần mềm và bản thiết kế của Mỹ, chẳng hạn như chất bán dẫn và chắc chắn là các bộ phận và linh kiện được cấp bằng sáng chế của Mỹ."

Trung Quốc là nhà xuất khẩu chủ chốt các sản phẩm công nghệ sang Nga, cung cấp cho nước láng giềng ở phía Bắc ô tô, thiết bị gia dụng và máy móc xây dựng.

Tháng 12 năm ngoái, Tổng thống Vladimir Putin cho biết trong cuộc họp báo thường niên của mình rằng Trung Quốc và Nga đang cùng phát triển các vũ khí công nghệ cao như "máy bay và trực thăng".

Tham khảo SCMP

https://soha.vn/lenh-trung-phat-voi-nga-dang-khien-cac-cong-ty-cong-nghe-trung-quoc-dau-dau-2022030215285585.htm