Bảo hiểm Prudential cố tình gây khó dễ cho khách hàng?

Giá vàng thế giới đi xuống trong tuần thứ hai liên tiếp

Thị trường vàng trồi sụt thất thường trong tuần giao dịch vừa qua, khi sự chú ý dồn vào báo cáo việc làm tháng Tư của Mỹ, manh mối quan trọng để định hướng lộ trình lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).

Giá vàng thế giới đi xuống trong tuần thứ hai liên tiếp- Ảnh 1.

Những thỏi vàng được trưng bày tại Cục Khắc và In ấn Hoa Kỳ ở Washington, DC. Ảnh: AFP/TTXVN

Đồng USD suy yếu đã nâng đỡ giá vàng ngay trong phiên giao dịch đầu tuần này (29/4), song chính sự đảo chiều của “đồng bạc xanh” cũng tạo áp lực giảm cho mặt hàng kim loại quý này trong phiên giao dịch liền sau đó, xuống mức thấp nhất một tuần.

Tuy nhiên, một cuộc thăm dò của hãng tin Anh Reuters cho thấy các nhà phân tích đã nâng dự báo giá vàng năm 2024. Họ nhận định căng thẳng địa chính trị âm ỉ sẽ khiến các nhà đầu tư tìm "nơi ẩn náu" và tiếp tục đẩy giá vàng phá các mức cao kỷ lục.

Ngày 1/5, sau cuộc họp chính sách thường kỳ, Fed đã quyết định giữ nguyên lãi suất ở mức hiện tại 5,25%-5,50%. Fed cảnh báo trong những tháng gần đây cơ quan này nhận thấy việc đưa lạm phát về mục tiêu 2% không có nhiều tiến triển và lạm phát vẫn ở mức cao. Mặc dù trong tuyên bố trước đó vào tháng 3/2024, Fed đánh giá rủi ro đối với nền kinh tế “đang chuyển sang trạng thái cân bằng tốt hơn”, song tuyên bố mới đây, Fed đã ám chỉ quá trình này có thể đã bị đình trệ. Các tuyên bố mới của Fed tiếp tục khiến nhiều chuyên gia kinh tế băn khoăn về thời điểm cơ quan này bắt đầu cắt giảm lãi suất và thúc đẩy giới đầu tư tìm đến vàng như một công cụ hữu hiệu chống lại lạm phát.

Giá vàng thế giới quay đầu giảm trong phiên giao dịch ngày 2/5, khi thị trường và giới đầu tư hướng sự chú ý tới khả năng lãi suất Mỹ có thể sẽ ở mức cao trong thời gian dài hơn.

Giá vàng tiếp tục giảm xuống mức thấp nhất trong một tháng vào phiên giao dịch cuối tuần (ngày 3/5), bất chấp số liệu việc làm của Mỹ yếu hơn dự kiến. Điều này cho thấy sự điều chỉnh của thị trường sau đà tăng mạnh mẽ của tháng trước, khi các nhà đầu tư chốt lời và rủi ro địa chính trị giảm bớt.

Cụ thể, kết thúc phiên này, giá vàng giao ngay giảm 0,05% xuống 2.302,09 USD/ounce, hướng đến tuần giảm thứ hai liên tiếp, với mức giảm 1,8%. Trong khi đó, giá vàng giao kỳ hạn của Mỹ tăng nhẹ lên 2.311,10 USD/ounce.

Giá vàng nhanh chóng giảm sau khi đạt mức cao nhất trong phiên là 2.320,78 USD/ounce, ngay sau khi Bộ Lao động Mỹ công bố dữ liệu cho thấy lĩnh vực phi nông nghiệp của Mỹ tạo thêm 175.000 việc làm trong tháng trước, thấp hơn dự báo 243.000 việc làm của các nhà kinh tế.

Ông Tai Wong, một nhà giao dịch kim loại độc lập tại New York, cho biết: "Sự tăng vọt ban đầu của vàng sau báo cáo việc làm đã thu hút một lượng lớn các nhà đầu tư chốt lời, điều này cho thấy tâm lý thận trọng hơn của giới đầu tư sau đà tăng đáng kể của tháng Tư và phản ứng khá bình thường sau những bình luận tích cực của Chủ tịch Fed Jerome Powell".

Mặc dù dữ liệu việc làm củng cố kỳ vọng Fed sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất trong năm nay, điều này sẽ hỗ trợ cho vàng - tài sản không sinh lời, nhưng thay vào đó, nó đã thúc đẩy các nhà đầu tư chuyển sang các tài sản rủi ro hơn.

Ông Chris Gaffney, Chủ tịch thị trường thế giới tại EverBank, cho biết tâm lý hiện tại của các nhà đầu tư đang ưa chuộng rủi ro, dẫn đến nhu cầu vàng giảm. Thị trường kim loại quý này dường như cũng “phớt lờ” sự sụt giảm của lợi suất trái phiếu Mỹ.

Giá vàng đã giảm 5,7% (khoảng 140 USD) kể từ khi đạt mức cao kỷ 2.431,29 USD/ounce vào tháng Tư, do các cuộc xung đột leo thang ở Trung Đông và hoạt động mua vào mạnh mẽ của các ngân hàng trung ương. Ông Wong nói thêm: "Có lo ngại rằng giá vàng có thể giảm sâu hơn nếu nhu cầu mua từ châu Á không xuất hiện trở lại.