Bảo hiểm Prudential cố tình gây khó dễ cho khách hàng?

Dự báo xuất khẩu thủy sản Việt Nam năm 2024: Cơ hội và thách thức

Dù thị trường vẫn còn nhiều khó khăn nhưng những con số tăng trưởng của ngành hàng tôm và cá tra đã mang lại niềm tin, hy vọng vào sự hồi phục trong năm nay.

3 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu thủy sản Việt Nam ước đạt hơn 1,9 tỷ USD

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam, trong 3 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu thủy sản Việt Nam ước đạt hơn 1,9 tỷ USD, tăng gần 8 % so với cùng kì năm 2023. Qua thống kê, các doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường Mỹ và Trung Quốc có sự bức phá ngoạn mục trong thời gian này.

Thông tin trên TTXVN, xuất khẩu sang Mỹ tăng 16%, sang Trung Quốc tăng hơn 30%. Với thị trường Nhật Bản chỉ tăng khiêm tốn hơn 5%. Thị trường lớn thứ 4 là Hàn Quốc, kết quả xuất khẩu tương đương cùng kỳ năm 2023.

Đáng chú ý xuất khẩu tôm sang Mỹ trong quý I tăng 15%; xuất khẩu cá ngừ, cá tra và cua ghẹ sang thị trường này đều tăng mạnh từ 13 - 53%. Giá trung bình cá tra xuất khẩu sang Mỹ đang hồi phục so với mức thấp chạm đáy vào cuối năm, tới cuối tháng 2 ở mức 2,66 USD/kg. Giá tôm chân trắng cũng hồi phục nhẹ so với cuối năm 2023, nhưng vẫn ở mức thấp so với giá trung bình trong 5 năm qua.

Trong khi đó thị trường Trung Quốc, cá tra, tôm chân trắng, tôm hùm, cá cơm và cua là 5 loài thủy sản Việt Nam được xuất khẩu nhiều nhất sang Trung Quốc. Đặc biệt, xuất khẩu tôm hùm và cua sang thị trường này bứt phá mạnh mẽ trong quý I năm nay, trong đó tôm hùm tăng gấp 11 lần, cua tăng gấp 7 lần so với quý 1/2023. Nước này đang siết chặt kiểm tra tôm nhập khẩu từ Ecuador, khiến cho nguồn cung từ nước này giảm, tạo ra dư địa cho tôm chân trắng của Việt Nam. Trong quý I, xuất khẩu tôm chân trắng sang Trung Quốc tăng gấp 2,5 lần so với cùng kỳ.

Thị trường Australia nằm trong Top 5 thị trường lớn nhất và mang lại kim ngạch cho doanh nghiệp thủy sản Việt Nam hơn 18%, trong Top 8 là Canada với mức tăng mạnh 59% so với cùng kỳ.

Tiêu dùng & Dư luận - Dự báo xuất khẩu thủy sản Việt Nam năm 2024: Cơ hội và thách thức

Ảnh minh họa.

Theo báo Quân Đội Nhân Dân, nhìn chung các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản đều có doanh thu và sự phục hồi rõ rệt. Đây là cơ hội lớn cho ngành thủy sản Việt Nam tăng tốc trong những tháng tới.

Bên cạnh những triển vọng hiện ngành thủy sản Việt Nam đang đối mặt với nhiều khó khăn, điển hình như còn 3 tháng nữa sẽ đến đợt kiểm tra của Ủy ban châu Âu (EC) về quá trình khắc phục khai thác bất hợp pháp, không khai báo (IUU), hay bất cập trong sản xuất kinh doanh, chi phí đầu vào cho chuỗi cung ứng tăng…

Dù thị trường vẫn còn nhiều khó khăn nhưng những con số tăng trưởng của ngành hàng tôm và cá tra đã mang lại sự tin tưởng, hy vọng vào sự hồi phục mạnh mẽ hơn trong năm nay. Thời gian tới, để đảm bảo chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị ngành thủy sản chất lượng, an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, hướng tới mục tiêu nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững cho ngành hàng thủy sản, các doanh nghiệp tiếp tục quan tâm, đầu tư và giữ vững thương hiệu chất lượng an toàn của thủy sản Việt Nam.

Cơ hội đối với xuất khẩu thủy sản

Hoạt động xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2024 đã có nhiều khởi sắc. Số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, kim ngạch xuất khẩu 4 tháng đầu năm nay đạt 2,7 tỷ USD (tăng nhẹ so với mức 2,64 tỷ USD năm 2023).

Chia sẻ xoay quanh vấn đề này với báo Công Thương ông Trương Đình Hòe - Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đánh giá, do nhu cầu của các thị trường trên thế giới tăng trở lại, kéo theo các đơn hàng xuất khẩu của Việt Nam bắt đầu gia tăng. Điều này đã và đang giúp cho các nhà sản xuất trong nước an tâm hơn, duy trì tốc độ phát triển. Tuy nhiên ông Hòe cũng cho rằng phải chờ thêm 1 quý nữa mới có thể đánh giá là trường xuất khẩu phục hồi nhiều hay ít.

Ngoài ra ông Hòe còn nhận định thêm, với tình hình hiện nay, việc tăng chi phí trong hoạt động sản xuất cho xuất khẩu ít nhiều bị ảnh hưởng. Chẳng hạn, trong lĩnh vực thủy sản, giá nguyên liệu đầu vào, vật tư vật liệu, bao bì đều tăng do ảnh hướng giá dầu và thị trường tài chính.

“Trong chừng mực nào đó, doanh nghiệp chỉ có thể hy vọng các yếu tố bất ổn tạo được điểm cân bằng mới để trên cơ sở đó điều hành xuất khẩu. Vì vậy các doanh nghiệp vẫn đang nỗ lực tìm kiếm thị trường, tìm kiếm đơn hàng dài hạn hơn để có kế hoạch sản xuất”, ông Hòe cho biết.

Liên quan đến các thị trường xuất khẩu thủy sản hiện nay, theo ông Hòe, hiện châu Âu là thị trường ảnh hưởng nhiều nhất. Cụ thể, trong quý I/2024 tại thị trường này bị ảnh hưởng lớn về các vấn đề tài chính, xung đột địa chính trị nên nhiều doanh nghiệp có tâm lý không muốn xuất khẩu vào EU.

Trong khi đó, xuất khẩu sang thị trường Mỹ, Trung Quốc đang tăng. Các số liệu của VASEP cho thấy, hiện nay xuất khẩu vào 3 thị trường quan trọng của thủy sản là Trung Quốc, Mỹ, Nhật tăng ổn định khoảng 16%/mỗi thị trường. Đặc biệt, Trung Quốc đang có nhu cầu lớn về mặt hàng tôm Việt Nam. Vì vậy, các doanh nghiệp chủ yếu tập trung vào các sản phẩm có hàm lượng chế biến, giá trị gia tăng để cạnh tranh với hàng giá rẻ hơn từ Ecuador.

Trong ngắn hạn, ông Hòe cho rằng dù hiện nay các thị trường đều co lại do người tiêu dùng giảm bớt chi tiêu nhưng thủy sản là hàng thực phẩm thiết yếu nên vẫn còn có cơ hội tăng trưởng. Bên cạnh đó, theo ông Hòe, thời gian qua, Chính phủ và các địa phương đã tập trung rất cao cho hỗ trợ cách ngành sản xuất và đã phát huy tác dụng. Do vậy, cộng đồng doanh nghiệp thủy sản hy vọng thời gian tới sẽ tiếp tục được hỗ trợ.

Thực tế, ở nhiều địa phương, để hỗ trợ cho doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản, chính quyền địa phương đã thực hiện đồng bộ những giải pháp khác nhau. Đơn cử như ở Cà Mau - địa phương xuất khẩu thủy sản đứng thứ 2 của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, theo ông Dương Vũ Nam, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Cà Mau, xuất khẩu thủy sản của tỉnh này đã tăng nhẹ 4% so với cùng kỳ với kim ngạch đạt 315,71 triệu USD.

Để có kết quả này, ông Nam cho biết, Sở Công Thương đã tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại cho cộng đồng doanh nghiệp địa phương; tổ chức các Đoàn doanh nghiệp tham gia các hoạt động xúc tiến xuất khẩu ngoài nước tại các thị trường châu Âu, Ấn Độ, Trung Quốc; tham gia Hội chợ Vietfish tại Tp.Hồ Chí Minh… Ngoài ra, Sở còn hỗ trợ doanh nghiệp tham gia Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài định kỳ hàng tháng do Bộ Công Thương tổ chức để kịp thời cập nhật thông tin, khuyến cáo từ hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài.

Không riêng Cà Mau, ở nhiều địa phương khác cũng đang nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp thủy sản tiếp cận thị trường để mở rộng xuất khẩu. Trong đó, việc tổ chức tuyên truyền, phổ biến thông tin về các Hiệp định thương mại tự do đến các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng,… được các địa phương đặc biệt quan tâm. Thông qua những giải pháp này đã góp phần gỡ khó cho doanh nghiệp thủy sản trong thời điểm hiện nay.

Năm 2024, ngành thủy sản đặt mục tiêu tổng sản lượng đạt khoảng 9,22 triệu tấn, tương đương với năm 2023. Trong số đó, sản lượng khai thác khoảng 3,54 triệu tấn, giảm 8,3% so với năm 2023; sản lượng nuôi trồng 5,68 triệu tấn, tăng 5% so với năm 2023. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 9,5 tỷ USD.

Theo báo Chính Phủ, năm 2023 là năm thứ 3 ngành thủy sản thực hiện Quyết định 339 của Thủ tướng Chính phủ về "Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045". Trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu, khó khăn về đơn hàng xuất khẩu; thẻ vàng của Ủy ban Châu Âu (EC), diễn biến thời tiết bất thường ngành thủy sản vẫn về đích với tổng sản lượng khai thác và nuôi trồng đạt 9,2 triệu tấn, tăng 2% so với năm 2022.

Trúc Chi (t/h)