Bảo hiểm Prudential cố tình gây khó dễ cho khách hàng?

Công an xã được phạt những lỗi vi phạm giao thông nào, tối đa bao nhiêu tiền?

Hiện nay, không hiếm để bắt gặp công an xã, công an phường cũng tham gia việc dừng xe, xử phạt giao thông tại địa phương. Vậy, công an xã được phạt những lỗi gì?

Điều 4 Nghị định 27/2010/NĐ-CP quy định rõ những trường hợp được huy động các lực lượng Cảnh sát khác và Công an xã phối hợp với Cảnh sát giao thông đường bộ tham gia tuần tra, kiểm soát trật tự, an toàn giao thông đường bộ (Xem chi tiết trong bài viết: Công an xã có được tuần tra, kiểm soát, xử phạt vi phạm giao thông?).

Bên cạnh đó, căn cứ quy định tại Điều 3 và Điều 5 Nghị định 27, việc huy động Công an xã phối hợp với Cảnh sát giao thông đường bộ tham gia tuần tra, kiểm soát trật tự, an toàn giao thông chỉ được thực hiện khi có văn bản do người có thẩm ban hành.

Cụ thể, Bộ trưởng Bộ Công an, Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự, an toàn xã hội có thẩm quyền huy động trong phạm vi toàn quốc.

Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có thẩm quyền huy động trong phạm vi từ 02 huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh trở lên.

Trưởng Công an quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh có thẩm quyền huy động trong phạm vi địa phương mình phụ trách.

Căn cứ điểm c khoản 2 Điều 33 Thông tư 32/2023/TT-BCA, Công an xã được xử phạt những lỗi vi phạm giao thông sau đây:

Thứ nhất, điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, xe máy điện không đội mũ bảo hiểm theo quy định.

Hiện hành, mức phạt không đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy được quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP, Nghị định 123/2021/NĐ-CP. Cụ thể, hành vi không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông có thể bị phạt tiền từ 400.000 đến 600.000 đồng.

Thứ hai, điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, xe máy điện chở quá số người quy định.

Căn cứ quy định Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP quy định về xử phạt người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy vi phạm quy tắc giao thông đường bộ như sau:

Trường hợp chở theo 2 người trên xe có thể bị xử phạt vi phạm hành chính từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng. Lưu ý, trường hợp chở người bệnh đi cấp cứu, trẻ em dưới 14 tuổi, áp giải người có hành vi vi phạm pháp luật sẽ không bị xử phạt.

Trường hợp chở theo từ 3 người trở lên trên xe có thể bị xử phạt vi phạm hành chính từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng.

Ngoài ra, nếu gây tai nạn giao thông thì người vi phạm còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 2 tháng đến 4 tháng.

Thứ ba, điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, xe máy điện, xe thô sơ chở hàng hóa cồng kềnh, quá kích thước giới hạn quy định.

Căn cứ điểm k khoản 3 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP sửa đổi bổ sung bởi điểm a, điểm b khoản 4 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP quy định, người nào đi xe máy chở hàng cồng kềnh vượt quá giới hạn quy định thì bị phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng. Nếu gây tai nạn thì bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 02 tháng đến 04 tháng.

Thứ tư, điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, xe máy điện, xe thô sơ phóng nhanh, lạng lách, đánh võng.

Theo đó, người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy: Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với hành vi điều khiển xe lạng lách hoặc đánh võng trên đường bộ trong, ngoài đô thị (điểm b khoản 8 Điều 7 Nghị định 100/2019/NĐ-CP). Đồng thời, người điều khiển xe còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 02 tháng đến 04 tháng. Nếu tái phạm hoặc vi phạm nhiều lần sẽ bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 3 tháng đến 5 tháng, tịch thu phương tiện (điểm c khoản 10 Điều 7 Nghị định 100/2019/NĐ-CP).

Thứ năm, điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, xe máy điện không có gương chiếu hậu ở bên trái.

Mức xử phạt vi phạm hành chính đối với người điều khiển xe không kính chiếu hậu (xe máy) được quy định tại điểm a khoản 1 Điều 17 Nghị định 100/2019/NĐ-CP như sau: Người điều khiển xe không kính chiếu hậu bên trái (xe máy) có thể bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng.

Thứ sáu, điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, xe máy điện, xe thô sơ mà sử dụng ô (dù).

Căn cứ theo khoản 4 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP được được sử đổi, bổ sung bởi điểm g khoản 34 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP, hành vi sử dụng ô khi đi xe máy sẽ bị phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng. Đồng thời người điều khiển phương tiện còn thì bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 1 tháng đến 3 tháng.

Ngay cả khi người điều khiển phương tiện không dùng ô nhưng chở người ngồi trên xe sử dụng ô thì người điều khiển phương tiện cũng bị phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng căn cứ theo quy định tại điểm g khoản 1 Điều 6 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP. Còn người được chở trên xe máy sử dụng ô cũng đồng thời bị phạt từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng căn cứ theo điểm c khoản 2 Điều 11 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP.

Thứ bảy, điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, xe máy điện khi chưa đủ tuổi điều khiển phương tiện theo quy định.

Căn cứ khoản 11 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP, mức phạt đối với người chưa đủ tuổi lái xe quy định như sau: Phạt cảnh cáo người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự xe mô tô hoặc điều khiển xe ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự xe ô tô. Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi điều khiển xe mô tô có dung tích xi lanh từ 50 cm3 trở lên.

Như vậy, người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi điều khiển xe mô tô, xe gắn máy sẽ áp dụng hình thức xử phạt hành chính nhẹ nhất đó là phạt cảnh cáo. Từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi, có thể bị phạt tiền lên đến 600.000 đồng.

Thứ tám, các lỗi vi phạm nghiêm trọng về trật tự, an toàn giao thông, an ninh, trật tự xã hội khác nếu không ngăn chặn kịp thời sẽ gây hậu quả nguy hiểm cho xã hội.

Công an xã được tiến hành xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền được giao. Cụ thể, theo Điều 76 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, Công an xã được phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 500.000 đồng đối với hành vi vi phạm của cá nhân, phạt đến 01 triệu đồng đối với vi phạm của tổ chức trong lĩnh vực giao thông.

Trong khi đó, Trưởng Công an cấp xã được phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 2,5 triệu đồng đối với hành vi vi phạm của cá nhân, phạt đến 5 triệu đồng đối với vi phạm của tổ chức trong lĩnh vực giao thông.

Trong quá trình giải quyết, xử lý vụ việc của các hành vi vi phạm giao thông, nếu phát hiện hành vi vi phạm vượt quá thẩm quyền xử phạt thì Công an xã lập biên bản vi phạm hành chính và báo cáo cấp có thẩm quyền ra quyết định xử phạt vi phạm.

Tuệ Minh