Bảo hiểm Prudential cố tình gây khó dễ cho khách hàng?

Ủy ban Tài chính Ngân sách: Có ý kiến nâng tỷ lệ giảm thuế VAT 4% để “khoan thư sức dân”

Đa số ý kiến trong Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội tán thành với đề xuất giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) 2% của Chính phủ. Cũng có ý kiến, đề nghị cân nhắc mở rộng phạm vi đối tượng được giảm thuế VAT và nâng tỷ lệ giảm thuế VAT 4% để “khoan thư sức dân”.

Ủy ban Tài chính Ngân sách: Có ý kiến nâng tỷ lệ giảm thuế VAT 4% để “khoan thư sức dân” - Ảnh 1.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh trình bày Báo cáo thẩm tra về việc tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế VAT 2% theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022.

Chiều 24/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, Thừa ủy quyền của Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày Tờ trình về tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) 2% theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/1/2022.

Chính phủ đề xuất giảm thuế VAT với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% về 8% (giảm 2%); áp dụng trong 6 tháng cuối năm nay, bắt đầu từ 1/7, việc giảm thuế VAT 2% này không áp dụng với nhóm hàng hóa, dịch vụ.

Sau khi nghe đề xuất của Bộ Tài chính, Quốc hội nghe tờ trình, thẩm tra về tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế VAT 2% theo Nghị quyết số 43 của Quốc hội.

Cụ thể, trình bày Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách (TCNS) của QH Lê Quang Mạnh cho biết, đa số ý kiến trong Ủy ban TCNS tán thành việc tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế VAT 2% theo quy định tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội như đề nghị của Chính phủ để tiếp tục hỗ trợ cho người dân và khu vực doanh nghiệp phục hồi và phát triển, đặc biệt trong giai đoạn kinh tế đang có những dấu hiệu suy giảm và các khu vực sản xuất, kinh doanh hiện đang gặp rất nhiều khó khăn.

Cũng có ý kiến đề nghị cân nhắc mở rộng phạm vi đối tượng được giảm thuế VAT theo hướng áp dụng thuế VAT 8% đối với tất cả các nhóm hàng hoá đang áp dụng mức thuế suất 10% theo quy định của Luật Thuế GTGT vì hiện nay các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh đều đang gặp khó khăn. Cũng có ý kiến đề nghị cân nhắc nâng tỷ lệ giảm thuế VAT đến 4% để khoan thư sức dân, nuôi dưỡng nguồn thu.

Về hiệu lực thi hành chính sách, đa số ý kiến trong Ủy ban TCNS nhất trí về thời gian áp dụng chính sách giảm thuế VAT là từ 01/7/2023 đến hết ngày 31/12/2023.

Tuy nhiên, theo Chủ nhiệm Ủy ban TCNS Lê Quang Mạnh, một số ý kiến cho rằng, việc thực hiện chính sách trong 6 tháng cuối nay có thể chưa đủ thời gian để chính sách phát huy tác dụng. Do đó, đề nghị cân nhắc kéo dài thời gian để bảo đảm ổn định, và đủ thời gian để chính sách phát huy hiệu quả.

Bên cạnh đó, một số ý kiến trong Ủy ban TCNS đề nghị cân nhắc tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế VAT vì còn băn khoăn về tính hiệu quả của chính sách. Đồng thời, lo ngại về tác động giảm thu trong bối cảnh nhiệm vụ thu năm 2023 là rất khó khăn.

Vì vậy, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ đánh giá kỹ hơn tác động của việc giảm thuế để bảo đảm đạt được mục tiêu đặt ra như kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh để đóng góp trở lại cho ngân sách Nhà nước.

“Đề nghị Chính phủ giải trình cụ thể hơn phương án, giải pháp bù đắp các khoản giảm thu này ngoài các biện pháp về tăng cường công tác quản lý để bảo đảm nhiệm vụ thu và khả năng cân đối của ngân sách trong phạm vi bội chi ngân sách Nhà nước 2023 đã được Quốc hội thông qua”, Chủ nhiệm Ủy ban TCNS nói.