Chủ quan khi bị chó nhà cắn, người phụ nữ qua đời sau 3 tháng

Trước khi vào viện 3 tháng, người phụ nữ 38 tuổi ở Vĩnh Phúc bị chó cắn vào tay và vùng lưng khi cho chó ăn. Sau khi bị chó cắn, bệnh nhân đã không đi tiêm phòng.

Nữ bệnh nhân tử vong sau 3 tháng bị chó cắn

Thông tin trên Tuổi Trẻ ngày 25/5, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương thông tin một bệnh nhân nữ (38 tuổi, trú Vĩnh Phúc) qua đời sau 3 tháng bị chó nhà cắn.

Khai thác tiền sử bệnh người nhà bệnh nhân cho biết trước khi vào viện khoảng 3 tháng, chị bị chó nhà cắn vào tay và vùng lưng khi cho chó ăn.

Sau khi bị chó cắn, chị không đi tiêm phòng. 5 ngày sau, con chó cắn đứt dây và chạy sang nhà hàng xóm, có biểu hiện hung dữ và bị người dân đánh chết.

Hai ngày trước khi vào viện, bệnh nhân có biểu hiện sợ nước, sợ gió, buồn nôn, sốt nhẹ, khó nuốt, không uống được, hốt hoảng, kích thích khi có âm thanh tiếng động.

Nữ bệnh nhân được điều trị tại bệnh viện đa khoa tỉnh một ngày, nhưng tình trạng không cải thiện và được chuyển đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương. Tại đây, các bác sĩ làm xét nghiệm và có kết quả khẳng định bệnh dại. Đến sáng hôm sau, bệnh nhân có kích thích tăng lên, các bác sĩ đã giải thích tình trạng bệnh nhân nặng, gia đình xin về và bệnh nhân đã tử vong tại nhà.

Cách phòng tránh bệnh dại

Theo Giao Thông, TS.BS. Thân Mạnh Hùng, Phó Trưởng khoa Cấp Cứu, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương khuyến cáo: "Khi người dân bị chó cắn việc đầu tiên là đến ngay cơ sở y tế gần nhất để các bác sĩ tư vấn và tiêm phòng. Bên cạnh đó, khi bị chó cắn (nếu chó của nhà nuôi) nên nhốt con chó lại để theo dõi vì để chó chạy lung tung nhiều khi không kiểm soát được. Trong trường hợp bị chó ở ngoài đường cắn nên chủ động đi tiêm phòng ngay".

TS. Hùng nhấn mạnh: "Mùa hè nắng nóng, có những bệnh truyền nhiễm có thể bùng phát, đặc biệt là bệnh dại. Vì thế người dân không nên chủ quan, những nhà nuôi chó nên đi tiêm phòng đầy đủ cho chó. Nếu cho chó đi ra ngoài nên rọ mõm để phòng bệnh cho cộng đồng.

Cách tốt để ngăn chặn nguy cơ mắc bệnh dại là xử lý vết chó cắn, mèo cắn là làm sạch vết thương và thực hiện tiêm phòng ngay lập tức. Nếu không được tiêm phòng kịp thời, khi phát bệnh dại 100% bệnh nhân tử vong".

Theo chuyên gia truyền nhiễm, nếu một người mới bị lây vết cắn động vật thì cần nhanh chóng thực hiện các bước sau:

Rửa ngay vết thương với xà phòng và dưới vòi nước chảy liên tục trong thời gian từ 10 - 15 phút. Nếu không có xà phòng, có thể rửa tạm vết thương bằng nước sạch dưới vòi nước chảy liên tục 15 phút. Đây là phương pháp sơ cứu hiệu quả nhất để chống lại bệnh dại.

Vết thương cần được rửa sạch với cồn 70% hoặc dung dịch cồn iod hoặc những thuốc tương tự.

Đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế ngay lập tức để thăm khám tình trạng và điều trị càng sớm càng tốt.

Tránh băng bó, đắp thuốc kín vết thương, tránh khâu vết thương vì có thể khiến virus dại xâm nhập dễ dàng hơn.

Người bệnh khi bị cho cắn cần đến ngay bác sĩ hoặc bệnh viện, cơ sở y tế gần nhất. Dựa trên điều kiện và tình trạng vết cắn, bác sĩ sẽ quyết định xem liệu có nên tiêm vắc-xin ngừa dại hay không.

Trúc Chi (theo Tuổi Trẻ, Giao Thông)

Link nội dung: https://tapchidautuvietnam.com/chu-quan-khi-bi-cho-nha-can-nguoi-phu-nu-qua-doi-sau-3-thang-a42830.html