Dầu thô thế giới quay đầu giảm trước áp lực từ thông tin cung-cầu

(Chinhphu.vn) - Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), giá dầu chịu áp lực trở lại trong phiên giao dịch hôm qua 6/9, khi thị trường không còn nhận được thông tin hỗ trợ. Cụ thể, giá dầu Brent 2,52% xuống 92,83 USD/thùng trong khi giá dầu WTI gần như không thay đổi tại mức 86,88 USD/thùng.

Trong phiên giao dịch đầu tuần, thị trường nhận được nhiều hỗ trợ với kỳ vọng Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh OPEC+ sẽ phát hành các chính sách để hỗ trợ giá như cắt giảm sản lượng. 

Tuy vậy, con số 100.000 thùng/ngày, chỉ tương đương mức tăng sản lượng trong tháng 9, chỉ đẩy mục tiêu sản lượng của OPEC+ về con số trong tháng 8, không đủ sức để duy trì đà tăng của giá dầu. Sau khi tiến đến kháng cự vùng 90 USD/thùng, giá dầu một lần nữa chịu áp lực bán mạnh và hiện đã trở lại sát vùng đáy trong vòng 6 tháng.

Kèm với lực bán kỹ thuật là thông tin của Saudi Arabia cho biết họ cắt giảm giá bán chính thức (OSP) đối với dầu thô xuất khẩu trong tháng 10/2022. Cụ thể, đối với thị trường châu Á, Saudi Aramco giảm giá gần 4 USD/thùng, mức giảm lần đầu tiên trong vòng 4 tháng. Các khách hàng tại Tây Bắc châu Âu cũng được hưởng lợi, với giá Arab Light hiện chỉ còn cao hơn 2,7 USD/thùng so với giá Brent. 

Thông tin về giá bán các sản phẩm dầu của Saudi Arabia luôn được thị trường quan tâm, do các đợt tăng-giảm giá dầu luôn phản ánh phần nào cung-cầu thực tế trên thị trường, hoặc ít nhất là kỳ vọng của nhà cung cấp dầu hàng đầu thế giới. 

OSP giảm cho thấy Saudi Arabia kỳ vọng tiêu thụ dầu trong thời gian tới của các khách hàng sẽ không còn quá cao, do đó việc giảm giá bán để tăng tính cạnh tranh hoặc kích thích nhu cầu là điều cần thiết.

Hiện tại, với dịch COVID-19 vẫn đang lây lan tại Trung Quốc và Chính phủ nước này vẫn chưa nới lỏng các biện pháp phòng, chống dịch, khả năng cao số liệu tiêu thụ dầu của quốc gia nhập khẩu lớn thứ 2 thế giới sẽ không thể tích cực trong tháng tới, bất chấp Trung Quốc đề xuất tăng một loạt các gói hỗ trợ thị trường trong ngày hôm qua.

Hiện tại, số lượng các chuyến bay quốc tế ra vào Trung Quốc vẫn đang ở con số thấp kỷ lục, chỉ khoảng 100 chuyến/ngày, so với 2.600 chuyến/ngày trước giai đoạn 2020. Điều này phần nào lý giải tại sao các nước OPEC+ cắt giảm một lượng nhỏ sản lượng dầu trong phiên họp vừa rồi.

Việc Mỹ tích cực tìm kiếm các đồng minh để lập liên minh áp đặt trần giá dầu cho Nga cũng khiến thị trường lo ngại giá sẽ giảm. Hiện tại, Bộ Ngân khố Mỹ cho biết, họ hy vọng Trung Quốc và Ấn Độ sẽ tham gia, hoặc ít nhất phần nào tận dụng kế hoạch này.

Các thông tin tiêu cực, kết hợp với Dollar Index hiện tại đã vượt mốc 110 lần đầu tiên trong năm nay, đã gây áp lực đáng kể lên giá hàng hóa định giá bằng đồng bạc xanh nói chung và cả nhóm năng lượng. Rạng sáng nay không có dữ liệu về tồn kho mới của Viện Dầu khí Mỹ API, do số liệu được lùi 1 ngày vì kỳ nghỉ Lễ Lao động.

Kỳ vọng khởi sắc của ngành thép nội địa

Trong khi đó trên thị trường nội địa, cuối tháng 8/2022, nhiều doanh nghiệp trong nước bất ngờ thông báo tăng giá thép xây dựng, cao nhất đến 810.000 đồng/tấn, sau gần 4 tháng. Trước đó, giá thép trong nước liên tục giảm 15 lần liên tiếp, với mức hạ 4-6 triệu đồng/tấn, tùy thương hiệu, loại thép và vùng miền.

Do đó, lần điều chỉnh tăng này đang đem đến kỳ vọng vào sự khởi sắc của ngành sắt thép nội địa vốn đã chịu rất nhiều áp lực kể từ đầu năm đến nay. Triển vọng tiêu thụ có dấu hiệu tươi sáng hơn vào cuối năm nay khi mà nhu cầu thép của ngành xây dựng được cải thiện.

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)

 

Link nội dung: https://tapchidautuvietnam.com/dau-tho-the-gioi-quay-dau-giam-truoc-ap-luc-tu-thong-tin-cung-cau-a11258.html