Bảo hiểm Prudential cố tình gây khó dễ cho khách hàng?

Một huyện ở Đắk Lắk xin dầm cầu cũ về xây dựng cầu mới cho dân

Một huyện ở Đắk Lắk có tờ trình xin các dầm cầu cũ bị dỡ bỏ khi xây dựng cầu mới, để hỗ trợ làm 6 chiếc cầu dân sinh phục vụ nhu cầu đi lại của người dân.

Vào cuối tháng 2/2023, UBND các xã Ea Bar và Ea Nuôl (huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk) có tờ trình gửi UBND huyện về việc hỗ trợ các dầm cầu cũ thu hồi trên Tỉnh lộ 1 khi xây dựng cầu mới để xây dựng cầu dân sinh trên địa bàn.

Theo nội dung văn bản của xã Ea Bar và Ea Nuôl, hiện nay Nhà nước đang tiến hành nâng cấp, cải tạo tuyến đường tỉnh lộ 1, trong đó các cầu cũ được thay thế bằng cầu mới. Vì thế, số lượng dầm cầu cũ có thể tận dụng để xây dựng các cầu dân sinh.

Hơn nữa, hiện nay trên các tuyến đường giao thông nông thôn thuộc địa bàn xã Ea Bar và Ea Nuôl có một số cần xây dựng cầu để phục vụ lưu thông, nhu cầu đi lại của người dân.

Dân sinh - Một huyện ở Đắk Lắk xin dầm cầu cũ về xây dựng cầu mới cho dân

Trong quá trình thực hiện dự án cải tạo, nâng cấp Tỉnh lộ 1, các cầu cũ được thay thế bằng cầu mới. 

Do đó, UBND xã Ea Bar và Ea Nuôl đã đề nghị UBND huyện Buôn Đôn đề xuất UBND tỉnh, Sở Giao thông Vận tải và các cơ quan liên quan hỗ trợ số dầm cầu cũ được tháo dỡ từ các cầu trên Tỉnh lộ 1 cho xã Ea Bar và Ea Nuôl xây dựng 6 chiếc cầu dân sinh trên địa bàn.

Trao đổi về vấn đề này, ông Trịnh Quang Tấn, Chủ tịch UBND xã Ea Nuôl cho biết, trên địa bàn xã đang thiếu nhiều cầu dân sinh, đặc biệt là việc thiếu cầu qua suối Ea Piết (buôn Ko Đung), khiến nhiều hộ dân phải đi đường vòng, tốn kém thời gian, bất tiện trong sản xuất.

Chính vì vậy, xã đề xuất xin dầm cầu cũ để về xây dựng mới hoặc tu sửa lại 3 cây cầu trên địa bàn. Nếu được chấp nhận sẽ kịp thời đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, đồng thời cũng tiết kiệm được một khoản kinh phí.

Tiếp đó, vào ngày 8/3, ông Lê Văn Nuôi, Phó Chủ tịch UBND huyện Buôn Đôn ký tờ trình gửi UBND tỉnh Đắk Lắk, Sở Giao thông Vận tải, Sở Tài chính về việc xin điều chuyển tài sản dầm cầu thu hồi từ việc tháo dỡ cầu cũ trên tuyến đường Tỉnh lộ 1 để hỗ trợ xây dựng cầu dân sinh trên địa bàn huyện.

Theo UBND huyện Buôn Đôn, trên địa bàn huyện còn thiếu nhiều cầu dân sinh, nhiều cầu trên các tuyến đường giao thông nông thôn cần phải được sửa chữa, thay thế hoặc xây dựng mới để phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng.

Dân sinh - Một huyện ở Đắk Lắk xin dầm cầu cũ về xây dựng cầu mới cho dân (Hình 2).

Huyện Buôn Đôn có tờ trình đề nghị UBND tỉnh Đắk Lắk, Sở Giao thông Vận tải và các cơ quan có liên quan xem xét hỗ trợ cho huyện số dầm cầu được tháo dỡ từ các cầu cũ về xây dựng các cầu dân sinh cho dân. 

Trong khi đó, số dầm cầu cũ được thay thế và thu hồi trên Tỉnh lộ 1 còn tốt, có thể sử dụng để xây dựng các cầu dân sinh trên trên các tuyến đường giao thông nông thôn.

Vì vậy, UBND huyện Buôn Đôn đề nghị UBND tỉnh Đắk Lắk, Sở Giao thông Vận tải và các cơ quan có liên quan xem xét hỗ trợ cho huyện số dầm cầu được tháo dỡ từ các cầu cũ để huyện tận dụng khi xây dựng các cầu dân sinh trên địa bàn.

Trên cơ sở nội dung tờ trình nói trên, mới đây UBND tỉnh Đắk Lắk đã có chỉ đạo, giao Sở Giao thông Vận tải tỉnh này chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan kiểm tra, tham mưu UBND tỉnh Đắk Lắk xử lý đề nghị của UBND huyện Buôn Đôn.

Được biết, hiện Sở Giao thông Vận tải tỉnh Đắk Lắk đang mời các bên đến làm việc, kiểm tra, rà soát chủng loại số lượng cấu kiện cầu cũ được thu hồi để có phương án xử lý phù hợp.

Theo lãnh đạo UBND huyện Buôn Đôn, sau khi có đề xuất của huyện, các bên liên quan đang tiến hành kiểm tra, thẩm định lại chất lượng các cầu. Nếu cầu nào đủ điều kiện thì sẽ cho tận dụng lại, cầu nào không đủ tiêu chuẩn thì phải bỏ.

Dự án cải tạo, nâng cấp Tỉnh lộ 1 có chiều dài hơn 52km, với tổng mức đầu tư 1.053 tỷ đồng (chủ yếu từ nguồn vốn Trung ương), thời gian thi công từ 2021-2025. Dự án này do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và NN-PTNT tỉnh Đắk Lắk làm chủ đầu tư.

Khánh Ngọc