Bảo hiểm Prudential cố tình gây khó dễ cho khách hàng?

Khắc phục khó khăn, dồn lực thi công cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo

Dự án cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo dài 78,5 km đi qua 3 tỉnh Khánh Hòa (gần 5 km), Ninh Thuận (63 km), Bình Thuận (gần 12 km) có thời gian thi công 24 tháng, riêng hạng mục hầm Núi Vung là 30 tháng.

Khắc phục khó khăn, dồn lực thi công cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo - Ảnh 1.

Đơn vị thi công lu nền đường cao tốc Bắc – Nam đoạn qua địa bàn tỉnh Ninh Thuận (ảnh tư liệu).

Hiện nay, các đơn vị thi công đang ngày đêm nỗ lực khắc phục khó khăn, dồn lực thi công hạng mục quan trọng nhất của dự án là hầm Núi Vung với mục tiêu khơi thông tuyến đường xuyên núi để đưa dự án hoàn thành theo tiến độ theo cam kết.

Cam Lâm - Vĩnh Hảo là dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 có tổng mức đầu tư 8.925 tỷ đồng. Đây là 1 trong 3 dự án cao tốc Bắc - Nam được thực hiện theo phương thức đối tác công - tư (PPP) do Ban Quản lý dự án 85 làm đại diện cơ quan quản lý nhà nước tại dự án, liên danh Tập đoàn Đèo Cả - Công ty 194 làm nhà đầu tư. Dự án cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo được khởi công từ tháng 12/2021, theo hợp đồng dự án sẽ hoàn thành vào tháng 3/2024.

Hiện nay, toàn tuyến cao tốc đã huy động 32 mũi thi công đường, 35 mũi thi công cầu, 10 mũi thi công hầm. Đến thời điểm này, dự án đã đạt tiến độ tổng thể khoảng 43%, cơ bản đáp ứng tiến độ theo yêu cầu.

Khắc phục khó khăn, dồn lực thi công cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo - Ảnh 2.

Công nhân thi công hạng mục cổng hầm phía Nam Núi Vung.

Hạng mục quan trọng nhất của dự án là hầm Núi Vung có chiều dài khoảng 2,25 km được thiết kế với quy mô 3 làn xe, bề rộng 14m, đây là hầm đường bộ lớn thứ 4 cả nước sau các hầm Hải Vân, Đèo Cả và Cù Mông. Hầm núi Vung do Tập đoàn Đèo Cả thi công, tính đến ngày 5/3, hầm trái đã đào được 1.850m, hầm phải đào được khoảng 1.570m, theo kế hoạch hầm Núi Vung sẽ được đào thông vào cuối tháng 3/2023.

Với mốc tiến độ này, Tập đoàn Đèo Cả đã tổ chức thi công 3 ca, đào từ 2 đầu phía Bắc và phía Nam với tốc độ đào trung bình 2 - 4m/ngày. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai mũi đào hầm phía Nam núi Vung (địa phận xã Phan Dũng, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận) gặp địa chất yếu nên đến nay chỉ đạt 300m, trong khi mũi đào hầm phía Bắc (địa phận xã Phước Hà, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận) đã đào được hơn 1.500m.

Theo chủ đầu tư, vấn đề địa chất yếu không được đơn vị tư vấn là Tổng Công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải (TEDI) dự báo trong thiết kế kỹ thuật, hồ sơ thiết kế lập không đáp ứng được yêu cầu đối với thi công hầm khi không thể dự kiến cụ thể địa chất các đoạn hầm đi qua.

Các biện pháp đảm bảo an toàn và tiến độ, chất lượng khi thi công gặp phải địa chất yếu phía Nam hầm núi Vung mà không được dự báo trước trong thiết kế kỹ thuật dẫn đến tốc độ đào hầm giảm xuống chỉ còn 1/3 so với bình thường. Nhiều thời điểm, công tác thi công phía Nam hầm núi Vung phải dừng đào để thực hiện các biện pháp chống đỡ, gia cố.

Ông Đặng Tiến Thắng, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo (doanh nghiệp dự án) cho biết, trong quá trình triển khai thi công phát sinh vấn đề địa chất yếu bắt đầu từ ngày 5/12/2022, đến nay chưa dự kiến được thời điểm kết thúc qua đới địa chất yếu này.

Khắc phục khó khăn, dồn lực thi công cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo - Ảnh 3.

Công trường thi công ống hầm phía Bắc hầm Núi Vung (ảnh tư liệu).

Để đảm bảo an toàn, đơn vị này đã 5 lần mời chuyên gia của Hội đồng kiểm tra nhà nước, Ban quản lý dự án 85, thiết kế kỹ thuật vào dự án để đưa ra các giải pháp xử lý. Ngoài ra, để đảm bảo chất lượng chủ đầu tư đã báo cáo Bộ Giao thông Vận tải, Ban quản lý dự án 85 kiến nghị rà soát toàn diện hồ sơ thiết kế kết cấu chống đỡ áp dụng đối với đoạn địa chất yếu hiện nay để điều chỉnh hồ sơ thiết kế phù hợp với điều kiện địa chất thực tế, làm rõ trách nhiệm của các bên liên quan, đánh giá lại thời gian hoàn thành.

Bằng kinh nghiệp đã tổ chức thi công nhiều công trình hầm đường bộ lớn, có tính chất kỹ thuật phức tạp, Tập đoàn Đèo Cả đã nghiên cứu các giải pháp và áp dụng phương pháp đào gương hầm nửa trên đồng thời kết hợp với làm vòm ngược, chống tạm kết cấu trong khi thi công, kiểm soát biến dạng thường xuyên 2 giờ/lần đo, thời gian thi công liên tục.

Khắc phục khó khăn, dồn lực thi công cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo - Ảnh 4.

Công trường thi công 2 ống hầm phía Nam hầm Núi Vung trên tuyến cao tốc.

Bên cạnh đó, Tập đoàn Đèo Cả nghiên cứu tổ chức nhiều mũi thi công ở phía Bắc hầm núi Vung để bù tiến độ cho phía Nam. Cụ thể, hiện nay 2 ống hầm phía Bắc đang tổ chức 10 mũi thi công để thực hiện đào gương hầm, đào hạ nền, làm hệ thống thoát nước, làm hệ thống phòng nước, làm vỏ hầm,... ông Thắng cho biết thêm.

Mới đây, ngày 27/2 Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng đã đến kiểm tra hiện trường Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020, đoạn Cam Lâm – Vĩnh Hảo, Ban Quản lý dự án 85 và chủ đầu tư đã báo cáo đến Bộ trưởng về tình hình địa chất và những khó khăn bất khả kháng khi thi công ở hạng mục hầm núi Vung có thể làm chậm tiến độ thông hầm so với kế hoạch.

Sau khi nghe báo cáo, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải đã chỉ đạo nhà đầu tư, nhà thầu thi công tập trung khắc phục khó khăn, nhanh chóng huy động thêm nhân sự, máy móc thiết bị hiện đại nhằm đẩy nhanh tiến độ theo kế hoạch đã đề ra. Đối với mũi thi công đào hầm phía Nam phải chú trọng an toàn, chất lượng. Đặc biệt, đặt tiêu chuẩn an toàn cho người lao động đang thi công lên trên hết, trước hết, không vì tiến độ mà bỏ qua an toàn lao động.