Bảo hiểm Prudential cố tình gây khó dễ cho khách hàng?

Doanh nghiệp "siêu EPS" ngành tôm trở lại: Từ 57.000 đồng tăng vọt lên 80.000 đồng

Sau năm 2021 khó khăn với kết quả kinh doanh đi xuống, EPS của Stapimex đã bật tăng 40%.

Từng gây sốc vào năm 2020 với chỉ số EPS (lợi nhuận trên mỗi cổ phần) lên tới 108.000 đồng và lợi nhuận vượt qua “vua tôm” Minh Phú (MPC), CTCP Thuỷ sản Sóc Trăng (Stapimex) gây hụt hẫng khi năm 2021, lợi nhuận lao dốc và EPS giảm gần một nửa còn 57.000 đồng.

Tuy nhiên, báo cáo tài chính kiểm toán 2022 công bố mới đây cho thấy, EPS của Stapimex lại tăng vọt lên mức 80.000 đồng.

Cụ thể, doanh thu công ty chỉ tăng nhẹ gần 8% lên 7.915 tỷ đồng nhưng biên lợi nhuận gộp đạt 15% - tăng so với mức 13,4% của năm trước. Đồng thời, doanh thu tài chính tăng mạnh từ 39 tỷ lên 111 tỷ và hoạt động tài chính góp cho Stapimex khoản lãi ròng hơn 32 tỷ đồng.

Mặc dù chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp đều tăng mạnh, nhưng công ty vẫn lãi trước thuế 570 tỷ đồng – tăng 38%. Lợi nhuận sau thuế đạt 555 tỷ đồng, EPS năm 2022 là 79.197 đồng.

Doanh nghiệp "siêu EPS" ngành tôm trở lại: Từ 57.000 đồng tăng vọt lên 80.000 đồng - Ảnh 1.

Năm 2022, ngành thủy sản Việt Nam đạt con số kỷ lục trong xuất khẩu: 11 tỷ USD, tăng 23% so với năm 2011. Trong đó xuất khẩu tôm đạt trên 4 tỷ USD – tăng khoảng 13% so với năm 2021, vẫn giữ vị thế là mặt hàng thủy sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.

Giá trị xuất khẩu tôm của Stapimex ước tính 310 triệu USD (tăng trưởng so với 292,8 triệu USD của năm 2021 và 265 triệu USD của năm 2020), giữ vững vị trí thứ 2 sau Minh Phú.

Dù vậy, cho đến cuối năm 2022, vốn điều lệ của Stapimex chỉ vỏn vẹn 77,5 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu 2.193 tỷ đồng, được tích lũy trong lợi nhuận sau thuế chưa phân phối (908 tỷ) và Quỹ đầu tư phát triển (1.120 tỷ đồng). Tổng tài sản đạt 2.689 tỷ đồng và tiếp tục không có một xu vay dài hạn nào.

Công ty này chỉ tập trung vào thu mua nguyên liệu về chế biến, không đầu tư vùng nuôi lớn như các doanh nghiệp thuỷ sản khác.