Bảo hiểm Prudential cố tình gây khó dễ cho khách hàng?

Bộ Tài chính xem xét giảm thuế nhập khẩu khô đậu tương

Theo Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam, nếu vẫn giữ mức thuế nhập khẩu 2% với khô dầu đậu tương sẽ đẩy giá thức ăn chăn nuôi cao kỷ lục và dẫn đến các vấn đề khác.

Mới đây, Văn phòng Chính phủ có văn bản đề nghị Bộ Tài chính phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, xem xét sửa đổi các quy định nhằm giảm thuế nhập khẩu khô dầu đậu tương từ 2% xuống còn 0% để hỗ trợ ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước.

Trước đó, Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam đại diện cho hơn 100 doanh nghiệp lĩnh vực sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước đã có văn bản kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành xem xét giảm loại thuế xuất này để “giải cứu” ngành thức ăn chăn nuôi.

Theo lập luận của Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam, việc giữ thuế nhập khẩu khô đậu tương 2% đã khiến giá nguyên liệu đầu vào tăng mạnh, là nguyên nhân chính đẩy giá thức ăn chăn nuôi cao kỷ lục thời gian vừa qua. Tình trạng này gián tiếp dẫn tới 45-50% trang trại chăn nuôi lớn treo chuồng và khoảng 70-75% gia trại và hộ chăn nuôi nhỏ tạm ngừng tái đàn do giá bán sản phẩm chăn nuôi không bù đắp được chi phí thức ăn.

Cũng theo Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam, nếu thuế nhập khẩu khô đậu tương được giảm về 0% sẽ giúp nâng cao khả năng cạnh tranh của ngành thức ăn chăn nuôi trong nước. Thông qua việc giảm mức thuế nhập khẩu này cũng sẽ góp phần kiểm soát lạm phát và đảm bảo đời sống người chăn nuôi. Bởi hiện nay, khô đậu tương là mặt hàng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi có sản lượng nhập khẩu về Việt Nam lớn thứ hai và kim ngạch nhập khẩu lớn nhất trong các loại nguyên liệu thức ăn chăn nuôi.

Giá khô đậu tương nhập khẩu quá cao sẽ tác động trực tiếp đến giá thành chăn nuôi, làm tăng giá thịt, cá, trứng, sữa và sản phẩm thiết yếu, ảnh hưởng tiêu cực đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI).

Chia sẻ xoay quanh vấn đề này ông Nguyễn Như So, Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn Chăn nuôi Việt Nam, cho biết, Việt Nam là nước phụ thuộc rất lớn vào nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhập khẩu, trong đó có khô đậu tương. Khô đậu tương lại là mặt hàng chiếm tỉ trọng cao nhất về giá trị trong các nguyên liệu thức ăn chăn nuôi. Vì vậy, trong bối cảnh giá khô đậu tương trên toàn cầu vẫn đang ở quanh mức đỉnh 10 năm, việc thuế nhập khẩu mặt hàng này vẫn đang được giữ ở mức 2% sẽ làm gia tăng thêm gánh nặng chi phí cho người chăn nuôi.

Đặc biệt, khi giảm thuế nhập khẩu sẽ nâng tính cạnh tranh của ngành trong nước so với các nước trong khu vực, thế giới; kiểm soát lạm phát, đảm bảo đời sống nhân dân; không làm ảnh hưởng tới thu ngân sách nhưng giúp tăng thu ngân sách do doanh nghiệp hoạt động trở lại, sản phẩm được tiêu thụ…

Trúc Chi (theo Nông Nghiệp, Thời Báo Ngân Hàng)